Tiêm vắc xin phòng dại, người phụ nữ bị phản vệ độ 3

08/01/2024 14:11:01

Sau khi tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng uốn ván, người phụ nữ 45 tuổi bị phản vệ độ 3.

Sáng 8/1, VietNamNet dẫn lời đại diện Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết nơi đây vừa điều trị cho một bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng sau tiêm vắc xin.

Bệnh nhân là chị T. (46 tuổi), về Thanh Hoá thăm người thân, bị chó cắn vào cẳng chân trái. Sau tai nạn, chị đến một bệnh viện địa phương để xử trí vết thương, tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại và uốn ván.

Tiêm vắc xin phòng dại, người phụ nữ bị phản vệ độ 3
Vết thương do chó cắn và triệu chứng sau tiêm vắc xin. Ảnh: BV

Khoảng 2 giờ sau, bệnh nhân xuất hiện tình trạng nổi mẩn đỏ, ngứa, khó thở, tụt huyết áp. Chị trở lại bệnh viện để theo dõi. Tại đây, bệnh nhân được xử trí bằng thuốc adrenaline. Sau đó, tình trạng sức khoẻ của người phụ nữ này tạm thời ổn định nhưng các dấu hiệu bất thường vẫn còn. Do đó, chị quyết định đi máy bay để trở về TP.HCM nhập viện điều trị.

Suốt thời gian bay, người phụ nữ luôn cảm thấy mệt mỏi vì phù mặt, khó thở và ngứa rất nhiều. Khi xuống đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), chị được chuyển ngay đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất.

Tiêm vắc xin phòng dại, người phụ nữ bị phản vệ độ 3 - 1
Sau khi điều trị tích cực ở Bệnh viện Thống Nhất, bệnh nhân đã xuất viện. Ảnh: BV

Theo Thanh Niên thông tin tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán phản vệ độ 3 sau tiêm vắc xin ngừa bệnh dại, huyết thanh kháng dại và vắc xin ngừa uốn ván. Loại vắc xin nghi bị phản vệ là vắc xin uốn ván.

Bệnh viện truyền dịch và cho bệnh nhân dùng corticoid, kháng histamin… Ngày 5.1, sức khỏe bệnh nhân ổn định và bệnh nhân xuất viện.

Bác sĩ Thanh khuyến cáo, khi tiêm ngừa vắc xin về thì không nên đi đâu xa và cần theo dõi sát sao. Vì nếu chẳng may bị phản vệ thì cần đến ngay bệnh viện để được cứu chữa kịp thời, tránh trường hợp cấp cứu trễ, nguy cơ đe dọa tính mạng hoặc để lại di chứng nặng.

PN (SHTT)

Nổi bật