Tia UV là viết tắt của Ultraviolet hay còn gọi là tia cực tím là một dạng tia bức xạ điện từ từ mặt trời hoặc từ nguồn sáng nhân tạo như mỏ hàn. Cường độ tia UV mạnh nhất trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều.
Trên thực tế tia UV được chia thành 3 nhóm chính dựa theo mức năng lượng mà tia bức xạ mang theo.
Tia UVA: là loại tia UV có năng lượng thấp nhất. Các tia này có thể khiến da bị lão hóa và gián tiếp gây tổn hại DNA tế bào. Tia UVA chủ yếu gây tổn thương dài hạn trên da như nám da, tuy nhiên chúng cũng đóng vai trò trong ung thư da.
Tia UVB: là loại tia UV có năng lượng cao hơn tia UVA. Tia này có thể gây tổn hại trực tiếp DNA trên da và là nguyên nhân chính gây cháy nắng. Loại tia này cũng góp phần gây ung thư da.
Tia UVC: là tia UV có năng lượng cao nhất trong 3 nhóm tia UV. May mắn là vì mức năng lượng cao này nên tia UVC chủ yếu tương tác với tầng ozone trong khí quyển của chúng ta và bị chặn lại trước khi tới được mặt đất. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó như tầng ozone bị “thủng” vì ô nhiễm môi trường, tia UVC lọt xuống được trái đất thì tác hại lại rất khủng khiếp với khả năng gây ung thư da cao. Ngoài ra, một số nguồn tia UVC do con người tạo ra, như mỏ hàn, bóng đèn thủy ngân, đèn UV sử dụng khử trùng trong nước, không khí, thực phẩm, trên bề mặt có khả năng gây nguy hại cho người tiếp xúc.
Tác hại của tia UV đối với làn da
Tia UV khiến da bị cháy nắng, sạm da, lão hóa da
Biểu hiện cấp tính rõ nhất từ tác hại của tia UV là các vết ban đỏ trên da, gọi là cháy nắng. Thêm vào đó, hầu hết mọi người sẽ bị sạm da do tia UV kích thích sản xuất melanin, điều này thường xảy ra một vài ngày sau khi tiếp xúc với tia UV. Hơn nữa, việc thay đổi thích ứng của cơ thể có thể khiến lớp da bên ngoài dày hơn, nhằm chống lại sự xâm nhập của tia UV qua da. Cả hai thay đổi trên đây đều là dấu hiệu cho thấy da bị hư hại do tia UV.
Tiếp xúc thường xuyên với bức xạ tia UV có thể làm thoái hóa trong tế bào, mô sợi, và mạch máu của da. Các thay đổi này bao gồm nám, sạm, tàn nhang, các vùng da nâu lan tỏa trên da. Tia UV kích thích quá trình lão hóa da, và làm mất tính đàn hồi trên da, khiến da bị nhăn nheo, khô và thô ráp.
Mức độ nhạy cảm của tổn thương da phụ thuộc vào loại da, những người có da mỏng hơn, sáng hơn dễ bị cháy nắng và nổi ban đỏ hơn so với người có da tối màu. Tương tự vậy, khả năng thích ứng với tia UV cũng phụ thuộc vào từng loại da.
Tia UV gây ung thư da
Tia UV có thể gây ung thư da không có tế bào hắc tố: Dạng ung thư này bao gồm hai loại là: ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy. Loại ung thư này hiếm khi gây tử vong, tuy nhiên việc điều trị phẫu thuật khá đau đớn và gây biến dạng vùng phẫu thuật.
Nguy cơ mắc ung thư da không tế bào hắc tố do tia UV phụ thuộc mức độ thường xuyên tiếp xúc với tia UV.
Tác hại của tia UV gây ung thư da tế bào ác tính: Ung thư da ác tính không phổ biến như ung thư da không tế bào hắc tố, tuy nhiên là là nguyên nhân chính gây tử vong. Nguy cơ mắc ung thư ác tính cũng liên quan trực tiếp tới gen di truyền và đặc điểm cá nhân của mỗi người, cũng như mức độ phơi nhiễm với tia UV. Người thường bị cháy nắng, đặc biệt cháy nắng ở độ tuổi nhỏ có nguy cơ ung thư da ác tính cao hơn.
Nguy cơ u ác tính trên da cao hơn ở những người đã bị ung thư da không tế bào hắc tố và những người dày biểu bì do tiếp xúc với mặt trời. Cả hai trường hợp trên đều là hậu quả của quá trình tích lũy tiếp xúc với tia UV.
Vị trí ung thư da
- Ung thư da chủ yếu ở những vùng da tiếp xúc nhiều với nắng mặt trời như đầu, mặt, môi, cổ, tai, ngực, cánh tay, bàn tay và vùng chân.
- Một số vùng da ít tiếp xúc nắng như lòng bàn tay, phần dưới của móng tay hoặc móng chân, vùng sinh dục, cũng có thể bị ung thư.
Dấu hiệu nhận biết ung thư da
- Các mảng da sần sùi, thô cứng, có hiện tượng đóng vảy, màu sắc chuyển dần từ màu nâu sang màu hồng đậm hoặc nâu, đen.
- Da xuất hiện những vùng màu đỏ cứng, xỉn màu, lõm ở vùng trung tâm hoặc bị loét lâu ngày không lành.
- Trên da có những nốt tổn thương u tròn, mềm, nhìn trong mờ, hoặc da xuất hiện đột ngột những đốm tối màu không rõ viền giống nốt ruồi.
Phòng ngừa
- Để hạn chế nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, nên dùng kem chống nắng, mặc quần áo dài tay để che chắn.
- Với kem chống nắng, nên lựa chọn loại có chỉ số SPF từ 30 trở lên, bôi kem trước khi ra ngoài khoảng 15-30 phút.
- Người thường xuyên hoạt động ngoài trời cần bôi mỗi hai tiếng/lần.
- Tránh bôi lượng kem quá dày dẫn đến hiện tượng vón cục, bít tắc lỗ chân lông, gây mụn.
-Nên đi khám định kỳ da liễu 1-2 lần/năm để phòng ngừa và loại trừ những trường hợp ung thư da.
- Khi có những biểu hiện bất thường xuất hiện ở trên da như các vết loét, nốt u da có tính chất đổi màu, nốt ruồi thay đổi bất thường kích thước, màu sắc, nên lưu ý và đến chuyên khoa da liễu kiểm tra.
PN (SHTT)