Thường xuyên thức dậy trước báo thức có phải là dấu hiệu sức khỏe?

22/02/2024 14:35:25

Việc tỉnh dậy trước báo thức thường không phải là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc thức dậy trước báo thức có thể là dấu hiệu rối loạn giấc ngủ.

Đôi khi, đồng hồ báo thức là thứ duy nhất có thể giúp nhiều người tỉnh dậy đúng giờ. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp khác, chúng ta có thể thức dậy vài phút trước khi chuông báo thức kêu. Việc này thường xuyên diễn ra khiến không ít người lo lắng liệu đây có phải dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe.

Thường xuyên thức dậy trước báo thức có phải là dấu hiệu sức khỏe?
Ảnh minh họa

Lý do tỉnh dậy trước báo thức

Max Kirsten, chuyên gia về giấc ngủ tại London, Vương quốc Anh giải thích: "Cơ thể của bạn hoạt động theo chu kỳ ngủ - thức tự nhiên được gọi là nhịp sinh học. Nhịp sinh học bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như tiếp xúc với ánh sáng, thời gian bữa ăn và thói quen hằng ngày. Cơ thể mỗi người có một chiếc đồng hồ bên trong, điều chỉnh khi nào cơ thể cảm thấy buồn ngủ và khi nào thức dậy một cách tự nhiên".

Nếu thường xuyên thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, cơ thể có thể bắt đầu dự đoán việc thức dậy vào thời điểm đó, phù hợp với nhịp sinh học của bạn. Vì vậy, thức dậy ngay trước khi đồng hồ báo thức kêu có thể đơn giản là đồng hồ bên trong cơ thể báo hiệu rằng đã đến giờ để thức dậy dựa trên lịch trình ngủ thường xuyên của mỗi người.

Chuyên gia Max cho biết thêm: "Giấc ngủ diễn ra theo chu kỳ, mỗi chu kỳ bao gồm các giai đoạn khác nhau: ngủ nhẹ, ngủ sâu và ngủ REM (chuyển động mắt nhanh). Các chu kỳ này thường kéo dài khoảng 90 phút mỗi chu kỳ. Thức dậy trong giai đoạn ngủ nhẹ giúp bạn dễ dàng thức dậy hơn với cảm giác sảng khoái và tỉnh táo hơn".

Tỉnh dậy trước báo thức cũng có thể có nghĩa là cơ thể đã hoàn thành một chu kỳ ngủ và đang chuyển sang giai đoạn “ngủ nhẹ” hơn để chuẩn bị thức dậy.

Thường xuyên thức dậy trước báo thức có phải là dấu hiệu sức khỏe? - 1
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc thức dậy sớm hơn mức cần thiết cũng có thể là do căng thẳng hoặc lo lắng. Max cho biết: "Nhiều người thường lo lắng về việc ngủ quên hoặc có kế hoạch quan trọng cho ngày hôm sau nên cơ thể tỉnh táo hơn khi đến gần giờ thức dậy, khiến bạn thức dậy sớm. Các hormone gây căng thẳng như cortisol có thể phá vỡ giấc ngủ và khiến bạn khó ngủ hơn trước khi chuông báo thức reo".

Hơn nữa, thức dậy sớm cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bản thân cần ưu tiên ngủ nhiều hơn để tránh tình trạng "thiếu ngủ", điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe theo thời gian.

Tỉnh dậy trước báo thức có tốt không?

Nếu việc tỉnh dậy trước khi chuông báo thức reo khoảng vài phút, thậm chí là vài giây khiến bạn cảm thấy tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng thì chứng tỏ bạn vừa có một giấc ngủ ngon. Việc thức dậy vào khung giờ cố định mà không cần đến báo thức dần dần sẽ đem lại lợi ích cho tinh thần và sức khoẻ. Bạn sẽ dễ dàng tỉnh táo và bắt đầu một ngày mới với nhiều năng lượng hơn.

Tuy nhiên, nếu thường xuyên tỉnh dậy trước báo thức khoảng 2 - 3 giờ thì đây được xem là lời cảnh báo cơ thể đang bị rối loạn giấc ngủ. Bạn nên đến bệnh viện hoặc các phòng khám để thăm khám và chữa trị kịp thời.

Max nói thêm: "Nếu bạn thấy mình thường xuyên tỉnh dậy trước báo thức và cảm thấy mệt mỏi trong ngày, bạn nên điều chỉnh thói quen ngủ hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe để đánh giá thêm".

Thường xuyên thức dậy trước báo thức có phải là dấu hiệu sức khỏe? - 2
Ảnh minh họa

Làm gì để thức dậy đúng giờ?

Điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ

Thông thường, cơ thể chúng ta có chu trình ngủ - thức như như sau: Tăng protein PER, tăng dần huyết áp và lượng hormone căng thẳng mỗi khi thức giấc. Ngược lại, khi buồn ngủ thì protein PER sẽ giảm xuống, nhịp tim dần chậm lại.

Vì vậy, việc điều chỉnh giờ giấc đi ngủ và thức dậy hợp lý, sẽ làm cho đồng hồ sinh học hoạt động một cách theo chu kỳ. Một người thường xuyên đi ngủ lúc 10 giờ và thức dậy lúc 6 giờ sáng sẽ làm cho cơ thể tự điều chỉnh lượng protein PER theo đúng như một thói quen. Vậy nên, thói quen đi ngủ đúng giờ sẽ giúp cho bạn thức giấc đúng giờ với một tinh thần thoải mái và tỉnh táo.

Không sử dụng sản phẩm chứa caffein

Hoạt chất caffeine có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng ta trước khi ngủ trong vòng 6 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên sẽ tùy thuộc vào quá trình trao đổi chất của từng người mà tác dụng phụ có thể khác nhau như sẽ làm cơ thể khó chịu và căng thẳng thậm chí có thể là rối loạn tiêu hóa.

Do đó, bạn nên hạn chế việc sử dụng những đồ ăn, thức uống có chứa thành phần caffein trước khi đi ngủ.

Không nên ngủ nướng

Thói quen ngủ thêm sau khi đã thức dậy sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, sa sút tinh thần mỗi khi tỉnh giấc. Một cách âm thầm, đồng hồ sinh học sẽ bị mất cân bằng, ảnh hưởng đến quá trình nghỉ ngơi của các bộ phận trong cơ thể. Vậy nên, sau khi nghe báo thức hoặc tỉnh trước báo thức, bạn nên dậy luôn để tránh chìm vào giấc ngủ tiếp theo.

Theo Phương Anh (Gia Đình Việt Nam)