Thực hư tin đồn hát karaoke giúp giảm nồng độ cồn nhanh hơn

14/01/2024 13:42:59

Khi uống rượu, bia, cồn sẽ hấp thụ vào máu, đào thải chủ yếu qua nước tiểu, một lượng nhỏ đào thải qua khí thở, mồ hôi. Do đó, một số người cho rằng việc hát karaoke sẽ giúp giảm nồng độ cồn nhanh hơn.

Tôi và bạn bè có thói quen uống bia hay rượu xong phải hát vài bài. Hát xong thấy vui vẻ, tỉnh táo, ngủ ngon hơn. Tôi cũng nghe nhiều người đồn rằng hát karaoke sau khi uống bia rượu giúp đào thải nồng độ cồn nhanh hơn. Điều đó có chính xác không thưa bác sĩ? (Lê Anh Vũ, 42 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tư vấn:

Khi uống bia hay rượu nồng độ cồn trong máu sẽ đạt đỉnh trong khoảng 1-1,5 giờ sau đó và giảm từ từ. Nồng độ cồn hấp thu - đào thải nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào cơ địa, chức năng gan, thức ăn trong ruột, lượng rượu bia uống vào, tình trạng hoạt động của cơ thể sau uống rượu, thể trạng của một người. Sau khi uống rượu bia, người đào thải nhanh, người  đào thải chậm là bình thường.

Thực hư tin đồn hát karaoke giúp giảm nồng độ cồn nhanh hơn

Lượng cồn trong cơ thể được đào thải qua nước tiểu là chủ yếu. Một phần còn lại đào thải qua mồ hôi và khí thở. Để giúp cơ thể đào thải nồng độ cồn nhanh, bạn có thể duy trì hoạt động thông khí trong đó có thể là nói cười nhiều hoặc hát karaoke. Hoạt động này giúp tăng thông khí sẽ làm cho nồng độ cồn giảm nhanh hơn là uống xong ngồi gục, im lặng. Tuy nhiên, việc hát karaoke tạo ra tiếng ồn có thể gây ảnh hưởng tới người khác. Nếu không gian cách âm tốt, sau khi uống bia rượu, bạn có thể hát 4-5 bài để đào thải cồn nhanh hơn. 

Ngoài ra, bạn lưu ý để tránh tác hại của rượu bia đối với cơ thể cách tốt nhất là tiêu thụ ít, nên ăn đủ chất, tránh nhịn đói khi sử dụng đồ uống có cồn. Nước lọc hay các loại nước khoáng giúp giải rượu tốt nhất, cải thiện thiếu hụt mất nước do say rượu.

Nếu uống rượu từ tối ngày hôm trước, thông thường, cơ thể sẽ hết nồng độ cồn vào trưa hôm sau. Trường hợp dương tính tới 20 giờ sau khi uống rượu thường do lạm dụng, tiêu thụ quá nhiều.

Theo Phương Thuý (VietNamNet)