Cổ nhân từng đúc kết, “chồng già vợ trẻ là tiên. Vợ già chồng trẻ là duyên ba đời”. Ngày nay, chuyện vợ già chồng trẻ không còn hiếm. Khi cuộc sống có nhiều đổi thay thì hôn nhân cũng sẽ có những thay đổi. Thay đổi như thế nào là sự lựa chọn của mỗi người.
Với bà Nguyễn Toàn (72 tuổi, ở TP. Cao Bằng), việc lên xe hoa lần 3 với chồng trẻ kém 10 tuổi là một trong những quyết định hạnh phúc nhất. Dù chịu không ít điều tiếng nhưng bà không vì thế mà cảm thấy buồn lòng, thậm chí còn tự tạo thêm niềm vui tuổi già nhờ tập việc Yoga, cùng chồng trẻ ngày ngày trồng rau, nuôi cá, chăm sóc khu vườn trĩu quả.
Bà Toàn tâm sự, năm 21 tuổi bà kết hôn với người chồng đầu tiên là một kỹ sư giao thông. Ông bà có 2 người con. Sống với nhau được 24 năm thì chồng qua đời vì tai nạn. Đến năm 47 tuổi, bà Toàn đi thêm bước nữa, lấy một người đàn ông có 3 đứa con riêng.
Chồng thứ hai của bà Toàn làm nghề lái xe Bắc - Nam, sau này ông bà có với nhau 3 người con chung. Cách đây hơn hai năm, người chồng thứ hai qua đời vì ung thư. Bà Toàn hiện vẫn thờ cúng, hương khói đủ đầy cho hai người chồng cũ.
Một thời gian sau, số phận khiến bà Toàn gặp gỡ và tiếp tục nên duyên vợ chồng với ông Hoàng Đàm (62 tuổi, ở Cao Bằng). Ông Đàm làm việc cho một ngân hàng tại Cao Bằng, vợ cũ đã qua đời và để lại cho ông 3 người con.
Trong vài lần tới ngân hàng giao dịch, bà Toàn tình cờ quen làm quen với ông. Được tình yêu gõ cửa ở tuổi thất tuần, chính bà Toàn cũng cảm thấy bất ngờ.
“Người ta vẫn bảo: Bản thiết kế của chúa đã định sẵn, dù đi đâu về đâu cuối cùng cũng quay về tìm đến nhau. Cơ duyên đã như vậy rồi. Cuộc tình này đối với tôi cũng rất bất ngờ. Người ta đến trồng cây si trước cửa nhà nên tôi cũng vui vẻ chấp nhận”, bà Toàn kể.
Người phụ nữ U80 cho rằng nếu không tìm được một nửa còn lại, cuộc đời những năm tháng sau này sẽ rất cô đơn và buồn tẻ. Biết mẹ định kết hôn lần 3, con cháu bà Toàn phản đối dữ dội. Nhưng ông bà vẫn nhất quyết vượt qua mọi rào cản.
Tìm hiểu được hơn 1 năm thì ông Đàm và bà Toàn về chung một nhà. Con cái bà cũng bất lực, dần chấp nhận. Buổi lễ thành hôn được tổ chức nhỏ với khoảng chục mâm cỗ, có sự tham gia của anh em họ hàng và bạn bè.
“Trong tình yêu phải tranh đấu, nếu cứ bị con cái, bạn bè điều khiển thì sẽ không bao giờ đến được với nhau. Ai cũng nói tôi già rồi, còn kết hôn làm gì? Người ta đều gàn tôi. Con cái cũng thế, chúng nó cứ bảo mẹ về sống với chúng con đi, ở với ông ấy làm gì. Nhưng tôi vẫn quyết định lui về “hoa quả sơn” của mình. Chồng nuôi gà, vợ trồng rau, an nhàn, vui vẻ”, bà Toàn bộc bạch.
Cơ ngơi của bà Toàn và ông Đàm nằm ở mặt phố sầm uất của thành phố Cao Bằng, đối diện Bệnh viện đa khoa tỉnh. Ra tham quan khu vườn, bà Toàn hào hứng chỉ vào một góc chuồng được quây rào sắt, nuôi toàn gà hoa mơ, gà cảnh.
Ở giữa vườn lấp ló những cây cherry được bà mang từ Mỹ về. Ngoài ra còn có hồng tiến vua, cây bơ, xoài, mít… Cứ đến mùa lại sai trĩu quả. Đi vào phía sâu còn có một ao cá nhỏ.
“Vườn tôi có cả cây chay, quả cây này đem đánh dấm với nước rau muống luộc rất ngon. Cuộc sống của tôi thanh bình nhưng rất vui, chưa chắc có nhiều tiền đã vui như vậy”, bà Toàn cười.
Thời còn trẻ, bà Toàn làm nghề thiết kế thời trang. Đến khi chuyển sang giai đoạn kinh tế mới, bà kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn trên mặt phố Kim Đồng (TP. Cao Bằng). Hiện bà đã chuyển lại toàn bộ cơ nghiệp cho con trai quản lý.
Bà Toàn cho biết, cách đây khoảng 7 năm, bà đã mua riêng một căn nhà khác để ở vì không thích ở chung với các con. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, bà tâm niệm.
Dù đã ngoài 70 nhưng bà Toàn vẫn rất trẻ trung, minh mẫn. Bà đã tập luyện Yoga hàng chục năm nay, ngoài ra còn bổ sung các bài thuốc từ thiên nhiên.
"Tôi nghĩ rằng thể dục thể thao là liều thuốc tốt nhất để giữ mãi tinh thần trẻ khoẻ", bà Toàn nói.
Theo Thủy Tiên (Đời Sống & Pháp Luật)