Tại sao lại ăn chè đậu đỏ trong ngày Thất tịch?
Tục ăn chè đậu đỏ ngày Thất tịch xuất phát từ Trung Quốc và lan sang những nước Đông Á khác có lưu truyền câu chuyện tình yêu nhiều nước mắt của vợ chồng Ngưu lang Chức nữ. Giới trẻ ngày nay coi Thất tịch như ngày lễ tình yêu - Valentine của phương Đông. Vì vậy những hoạt động họ làm trong ngày này đều nhằm mục đích cầu duyên, đặc biệt người độc thân mong có đôi có cặp.
Nhưng vì sao lại ăn đậu đỏ trong ngày Thất tịch để cầu nhân duyên, mong sớm gặp ý trung nhân? Theo quan niệm của nhiều nước, đậu đỏ là vật mang lại nhiều may mắn, bởi màu đỏ tương trưng cho sự tốt lành, vui vẻ và hạnh phúc. Ăn đậu đỏ trong ngày Thất tịch được coi là cách cầu duyên, hoặc giúp cho tình cảm lứa đôi được vững bền, không bị chia cắt.
Nhiều bạn trẻ ngày nay không tin câu chuyện "đậu đỏ giúp thoát ế" nhưng vẫn thích thú hô hào ăn chè đậu đỏ như một trào lưu vui vẻ, giúp cuộc sống thêm màu sắc. Vào ngày 7/7 Âm lịch, nhiều thanh niên độc thân đăng lên mạng xã hội những bức tranh vui, ảnh chế về chè đậu đỏ, rủ nhau đi ăn chè đậu đỏ hoặc chia sẻ công thức nấu món này.
Cách nấu chè đậu đỏ ngày Thất tịch
Nếu không ra quán thưởng thức, bạn có thể tự làm chè đậu đỏ tại nhà để chiêu đãi bản thân hoặc mời bạn bè trong ngày lễ Thất tịch.
Nguyên liệu: 340 gr đậu đỏ, 300 gr đường, 2 lít nước
Cách làm: Đậu đỏ cho vào thau nước để loại bỏ những hạt xấu, hạt lép nổi lên trên; rửa sạch đậu rồi cho vào nồi áp suất cùng với 2 lít nước.
Đun lửa to vừa cho đến khi nồi bắt đầu xì hơi (khoảng 10-12 phút) thì hạ lửa nhỏ. Đun thêm khoảng 3 phút rồi tắt bếp (nếu là bếp điện, còn với bếp gas thì đun khoảng 4-5 phút). Mở nắp ra, cho đường vào, nấu thêm cho chè sôi lại và đường tan hết là được.
Lưu ý khi sử dụng đậu đỏ
Cần sơ chế đậu đỏ trước khi nấu để loại bỏ hoạt chất Lectin (đây là chất rất dễ gây ngộ độc, nhất là khi tiêu thụ quá nhiều)
Tuyệt đối không ăn đậu sống và khi nấu thời gian để lâu hơn 10 phút. Trong trường hợp bị ngộ độc sẽ xuất hiện một vài biểu hiện như nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng co thắt…
Đậu đỏ kỵ với dạ dày dê. Nếu kết hợp đậu đỏ cùng dạ dày dê (hoặc ăn đậu đỏ rồi ăn dạ dày dê) thì sẽ gây đau bụng tiêu chảy và phù nề.
Đó là vì đậu đỏ có chứa saponin. Chất này kích thích niêm mạc đường tiêu hóa, vì vậy, nếu ăn thêm dạ dày dê thì sẽ dễ gây hại cho hệ tiêu hóa.
Đậu đỏ cũng không hợp với người hay bị lạnh tay chân, tê tay chân, tiêu hóa kém, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, ăn kém ngon, hay bị ho khi trời lạnh…
Không nên nấu đậu đỏ bằng nồi gang, nồi sắt vì sắc tố có trong hạt đậu đỏ sẽ bị chuyển thành màu đen.
Tác hại của đậu đỏ khi dùng sai cách
Đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa
Ăn quá nhiều đậu đỏ có thể tăng lượng chất xơ trong ruột và gây ra hiện tượng đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón. Việc tiêu thụ quá nhiều đậu đỏ hoặc không điều chỉnh lượng tiêu thụ chất xơ có thể gây ra khó chịu. Để hạn chế tác dụng này, nên tiêu thụ đậu đỏ kèm theo lượng nước vừa đủ và tăng dần lượng tiêu thụ để cho cơ thể thích nghi.
Tăng cân
Đậu đỏ chứa một lượng lớn carbohydrate và calo. Nếu tiêu thụ quá nhiều đậu đỏ có thể góp phần vào việc tăng cân. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người muốn giảm cân hoặc kiểm soát cân nặng của mình. Cần cân đối trong việc tiêu thụ đậu đỏ để tránh tăng cân không mong muốn.
Dị ứng
Một số người có thể bị dị ứng khi tiếp xúc với đậu đỏ. Triệu chứng dị ứng có thể bao gồm mẩn ngứa, phát ban da, ngứa ngạt, khó thở và trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nguy hiểm như phản ứng thần kinh.
Dị ứng với đậu đỏ có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi và không phụ thuộc vào lượng tiêu thụ. Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu của phản ứng dị ứng sau khi tiêu thụ đậu đỏ, nên ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến của bác sĩ để được đánh giá và chẩn đoán chính xác.
Gây loét dạ dày
Đậu đỏ có thể gây kích thích sản xuất axit dạ dày và tăng cường tiết acid khiến tăng nguy cơ loét dạ dày gây ra cảm giác đau và nôn mửa. Đối với những người có dạ dày nhạy cảm hoặc bị viêm loét dạ dày, việc tiêu thụ đậu đỏ có thể gây phản ứng tiêu cực. Khi biết mình có vấn đề về dạ dày, nên hạn chế hoặc tránh tiêu thụ đậu đỏ và tìm kiếm lời khuyên từ bác sĩ.
PN (SHTT)