Thanh niên 22 tuổi mắc suy thận, gan nhiễm mỡ và bệnh gout cùng lúc
Bác sĩ chuyên khoa thận Hồng Vĩnh Tường, làm việc tại Bệnh viện đa khoa Tam Quân, tại Đài Loan, Trung Quốc chia sẻ: “Thông thường chế độ ăn mặn là nguyên nhân chính làm tăng gánh nặng cho thận và gây hại cho thận. Tuy nhiên, chế độ ăn nhiều đường cũng có thể khiến thận bị tổn thương nghiêm trọng. Trường hợp của thanh niên 22 tuổi mà tôi tiếp nhận điều trị gần đây là một ví dụ”.
Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường cho biết chàng trai tên Vương Nhất, 22 tuổi đến bệnh viện khám trong tình trạng béo phì, được chẩn đoán suy thận giai đoạn 4, gan nhiễm mỡ và mắc bệnh gout.
Mẹ Vương Nhất chia sẻ, anh vừa tốt nghiệp đại học và trở về nhà ở Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) để làm việc. Trong suốt 4 năm đại học, Vương Nhất gần như không về thăm nhà mà chỉ gọi điện hỏi thăm cha mẹ. Do đó, cha mẹ không nắm được tình hình sức khỏe cụ thể của anh.
Gần đây, khi Vương Nhất về nhà, mẹ anh nhận ra cân nặng của anh tăng chóng mặt nên bà đã rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con trai. Mẹ Vương Nhất cũng là người thúc giục anh đi khám sức khỏe.
Kết quả khi đi khám, Vương Nhất được chẩn đoán bị suy thận độ 4. Điều này khiến Vương Nhất và mẹ vô cùng sốc.
Khi khai thác thêm về tiền sử của bệnh nhân, bác sĩ Hồng Vĩnh Tường cho biết: “Bệnh nhân Vương Nhất từng mắc viêm cầu thận nhẹ khi còn học trung học phổ thông. Thời điểm đó bệnh nhân tích cực điều trị và thay đổi chế độ ăn uống nên tình trạng sức khỏe luôn ổn định.
Tuy nhiên, khi đi học xa nhà, bệnh nhân bắt đầu lơ là việc điều trị. Thời gian học đại học, Vương Nhất thường xuyên tiêu thụ đồ uống chứa đường, mỗi tuần anh uống khoảng 4-5 cốc nước ngọt. Anh cũng thường xuyên ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ. Thói quen ăn uống kém lành mạnh cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân tăng 20kg trong 4 năm”.
Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường giải thích: “Không chỉ chế độ ăn nhiều muối mà thường xuyên tiêu thụ đồ uống chứa đường, thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ cũng gây ảnh hưởng tới chức năng thận”.
Theo chuyên gia, thường xuyên tiêu thụ các thực phẩm chứa đường, đồ ăn nhiều dầu mỡ có thể gây ra các rối loạn chuyển hóa, dễ dẫn đến thừa cân, béo phì. Đây là một trong những tác nhân làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường loại 2. Các rối loạn chuyển hóa và tiểu đường có thể gây tổn thương mạch máu, bao gồm cả các mạch máu trong thận, từ đó gây suy giảm chức năng thận.
Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường bổ sung: “Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng uống đồ uống chứa đường nhiều hơn 3 lần/tuần có tăng nguy cơ tổn thương thận trong tương lai”.
Khi nghe bác sĩ giải thích, Vương Nhất vô cùng hối hận vì thói quen ăn uống kém lành mạnh của bản thân. Chính các thói quen này đã khiến thận của anh bị tổn thương nghiêm trọng.
Thói quen giúp bảo vệ chức năng thận hiệu quả
Thông qua trường hợp của bệnh nhân Vương Nhất, bác sĩ Hồng Vĩnh Tường khuyến cáo, mọi người nên thực hiện các lưu ý sau:
1. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Theo bác sĩ Hồng Vĩnh Tường, chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm: tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất xơ; hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, ăn mặn; tránh lạm dụng các loại đồ uống chứa nhiều đường. Việc xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh giúp mọi người bảo vệ chức năng thận hiệu quả.
2. Uống đủ nước
Bác sĩ Hồng cho biết hầu hết các cơ quan của cơ thể con người đều cần nước để duy trì hoạt động, bao gồm cả gan, thận, mạch máu và da.
Uống quá ít nước có thể khiến cơ thể không sản xuất đủ lượng nước tiểu, gây cản trở quá trình đào thải các chất cặn bã trong cơ thể ra bên ngoài, từ đó tăng gánh nặng cho thận và có thể ảnh hưởng tới chức năng thận.
Chuyên gia khuyến cáo người trưởng thành có sức khỏe bình thường, một ngày nên đảm bảo uống đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo chức năng của các cơ quan trong cơ thể.
3. Tập luyện vừa sức
Tập thể dục điều độ giúp mọi người duy trì cân nặng, phòng ngừa béo phì, ổn định huyết áp và giảm mỡ máu. Đây là những yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa tổn thương của thận.
Theo Mộc Miên (Nguoiduatin.vn)