Một nữ tiếp viên của hãng hàng không Emirates đã chia sẻ về cảm nhận của phi hành đoàn về hành động hành khách vỗ tay trên Instagram cá nhân.
Trước hết, nữ tiếp viên cho biết truyền thống vỗ tay khi phi công hạ cánh bắt nguồn từ châu Âu, đặc biệt phổ biến trong những năm 90. Đối với một số hành khách, vỗ tay sau chuyến bay là một cách giải toả cảm xúc, giảm căng thẳng và sợ hãi sau chuyến bay. Đối với vài người khác, đó là cách để cảm ơn phi công vì đã hạ cánh an toàn. Trong một số trường hợp, hành khách vỗ tay để gây phiền toái.
Tuy nhiên, phi công trong buồng lái không thể nghe thấy hành khách đang vỗ tay. Tiếp viên là những người có thể thông báo với cơ trưởng.
Theo nữ tiếp viên, phản ứng của phi công thường có 3 kiểu. Nhiều người tỏ ra vô cùng vui vẻ khi biết điều này. Một vài người thì thờ ơ. Trong khi đối với một số phi công, vỗ tay là một hành động xúc phạm bởi họ coi mình là chuyên gia và hạ cánh là một công việc bình thường. Những phi công này không thích hành khách nghĩ rằng ngồi bay trên máy bay mình cầm lái là một trò chơi may rủi.
1. Vỗ tay để ăn mừng
Vỗ tay là một cách để thể hiện sự khen ngợi, vì vậy sẽ có người cho rằng vỗ tay khi hạ cánh là một cách để cảm ơn các phi công và phi hành đoàn vì đã hoàn thành tốt công việc. Vỗ tay để khen ngợi những trường hợp như vậy khá hợp lý. Nhưng bình thường không phải chuyến bay nào cũng gặp khó khăn hay nguy hiểm, vậy đôi khi bạn vẫn nghe thấy tiếng vỗ tay trong cabin khi máy bay hạ cánh là do đâu?
2. Vỗ tay theo văn hóa
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy việc vỗ tay được thể hiện qua văn hóa và tâm lý. Chẳng hạn như người Châu Mỹ Latinh có xu hướng bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài nhiều hơn so với người Châu Á. Cho nên, bạn có thể nghe thấy tiếng vỗ tay trên các chuyến bay đến hoặc từ Brazil hơn là những chuyến đến hoặc từ Nhật Bản.
Điều này cũng diễn ra phổ biến hơn ở một số hãng hàng không nhất định. Chẳng hạn, trên các chuyến bay của El Al hạ cánh ở Israel, nhiều hành khách vỗ tay vì họ rất hào hứng khi được trở về quê hương.
Tương tự, hành khách trên các chuyến bay của Ryanair – hãng hàng không giá rẻ của Ireland cũng có những màn vỗ tay giòn giã như vậy khi hạ cánh, như là cách chúc mừng một chuyến bay đúng giờ. Năm 2004, sau khi có nhiều ý kiến rằng tiếng vỗ tay này quá ồn ào, Ryanair đã phải thay đổi giai điệu, đến bây giờ, tiếng vỗ tay đã nhẹ nhàng hơn.
3. Vỗ tay vì một số lý do khác
Đối với những du khách đã đi máy bay quá nhiều lần họ sẽ có xu hướng ít vỗ tay hơn so với những hành khách ít kinh nghiệm bay. Do đó, bạn có thể sẽ nghe những tràng pháo tay khi hạ cánh trên các tuyến bay từ Chicago đến sân bay Punta Cana (Cộng hoà Dominicana), hơn là những chuyến bay từ New York đến Washington D.C.
4. Nhiều người không ủng hộ việc vỗ tay khi máy bay hạ cánh
Trong những năm 1980 – 1990, chuyện vỗ tay khi máy bay hạ cánh xuất hiện thường xuyên, nhưng ngày nay nó đã trở nên khá hiếm hoi. Theo chuyên gia nghi thức Joe Bryant cho rằng, các phi công và tiếp viên cảm thấy hành động vỗ tay khi máy bay hạ cánh là sự thô lỗ, thiếu tin tưởng và thậm chí là mỉa mai họ.
Việc vỗ tay là không bắt buộc sau khi hạ cánh và là hành vi thô lỗ với phi công. Nếu hạ cánh tốt, tiếng vỗ tay làm nhiều người liên tưởng đến sự ngạc nhiên trước khả năng của phi công. Trong khi nếu màn “chạm bóng” không tốt, những tràng pháo tay sẽ còn mang tính mỉa mai một cách xúc phạm.
Song các chuyên gia cho rằng hành khách không nên vỗ tay khi máy bay hạ cánh mà thay vào đó còn có nhiều cách lịch sự hơn để thể hiện sự đánh giá cao của bạn đối với phi hành đoàn, như việc nói lời cảm ơn khi xuống máy bay. Để ủng hộ và bày tỏ sự cảm ơn với tiếp viên hàng không, bạn có thể mang đến cho họ một món quà nhỏ, chẳng hạn như một hộp socola hoặc thẻ quà tặng cho một quán cà phê.
NT (SHTT)