Tại sao ăn bánh mì lại gây ngộ độc thực phẩm?

15/09/2023 09:46:28

Với ưu điểm tiện dụng, dễ ăn, giá cả phù hợp, những ổ bánh mì thịt nguội, thịt nướng, chả cá, patê... là món ăn quen thuộc của nhiều người.

Tuy nhiên, nhiều vụ ngộ độc do ăn bánh mì xảy ra khiến người dân lo ngại. Nguyên nhân thường do việc bảo quản các thực phẩm đi kèm bánh mì chưa đúng cách. Làm sao hạn chế điều này?

Tại sao ăn bánh mì bị ngộ độc?

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho biết nguyên nhân gây ngộ độc bánh mì kẹp thịt thường do thịt được kẹp trong bánh mì bị nhiễm khuẩn.

Thường lượng rau kẹp trong bánh mì không nhiều nên nếu rau bị nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm hóa chất cũng khó gây ngộ độc cấp tính, còn bánh mì không cũng khó gây ngộ độc.

Tại sao ăn bánh mì lại gây ngộ độc thực phẩm?
Ảnh minh họa: Internet

Riêng món pate, theo khảo sát của VnExpress, ngoài những thương hiệu lớn có phép kinh doanh, có chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, còn lại món patê đang được các hàng ăn sáng nhỏ lẻ sử dụng cho bánh mì, xôi mặn đều không có bao bì.

Theo các chuyên gia ẩm thực, patê được làm từ thịt lợn, gan gà, gan lợn hoặc bò và củ hành. Điều đáng chú ý là do gan có chất đường nên rất dễ nhiễm trùng, quá trình làm phải rất sạch sẽ để tránh tình trạng hư trước thời hạn. Các vật dụng dùng để chứa patê cũng phải được tiệt trùng, nếu không thức ăn này sẽ lập tức bị nhiễm khuẩn.

Trao đổi với nguồn tin trên, kỹ sư Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP HCM thừa nhận, patê là loại thực phẩm rất dễ bị nhiễm khuẩn, do đó người tiêu dùng cần cẩn trọng khi chọn mua.

"Không có môi trường nào vi khuẩn sinh trưởng nhanh như patê. Trong phòng xét nghiệm, patê được dùng để cấy nuôi vi khuẩn, chính vì thế nếu quá trình chế biến, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, lúc bán để quá lâu, không được che đậy thì vi khuẩn có thể phát triển", ông Hòa nói.

Tại sao ăn bánh mì lại gây ngộ độc thực phẩm? - 1
Ảnh minh họa: Internet

Làm gì để hạn chế ngộ độc bánh mì?

Theo thạc sĩ Đặng Thị Ngọc Dung - giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cần bảo quản ổ bánh mì hoặc các thực phẩm làm nhân bánh mì đúng cách để đảm bảo sức khỏe người dùng.

Bánh mì được làm từ bột mì, nước và nấm men bánh mì, có thể có thêm trứng (bột trứng). Thời gian bảo quản bánh mì ngắn hay dài phụ thuộc vào thành phần dinh dưỡng trong bánh, độ khô của bánh và phương pháp bảo quản.

Vì khí hậu Việt Nam cực kỳ thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, đặc biệt là nấm mốc, nấm men, sau đó là vi khuẩn, do đó bánh mì để lâu ngày sẽ dễ có hiện tượng bị mốc.

Bánh mì có độ ẩm thấp thường bảo quản được 1-3 ngày, lâu hơn so với các loại bánh mì có cấu trúc mềm, độ ẩm cao. Bánh mì mềm, độ ẩm cao dễ bị vi sinh vật tấn công. Vì vậy, cần bảo quản ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ bình thường.

Lưu ý quan trọng khác là việc bảo quản nhân bánh. Trong nhân bánh mì, người ta thường cho vào các loại thịt nguội (chả, jambon, patê...), chà bông, đồ chua, rau sống... Thịt nguội dễ tạo môi trường cho vi sinh vật xâm nhập, phát triển mạnh.

Thời gian bảo quản thịt nguội phụ thuộc vào nhiệt độ bảo quản, phụ gia bảo quản (chống nấm mốc, nấm men). Thịt nguội cần được bảo quản trong điều kiện lạnh (

Tại sao ăn bánh mì lại gây ngộ độc thực phẩm? - 2
Ảnh minh họa: Internet

Theo bà Dung, nếu bảo quản thịt nguội ở nhiệt độ cao, môi trường không kín, sau một thời gian ngắn thịt nguội dễ bị sự tấn công của vi sinh vật. Vi sinh vật thâm nhập có thể phát triển tạo thành độc tố hoặc bản thân vi sinh vật gây bệnh.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân có thể làm thịt nguội chưa thực sự an toàn chính là việc bổ sung phụ gia tạo màu hoặc phụ gia giữ màu cho thực phẩm nếu vượt quá giới hạn cho phép.

Bà Dung cũng lưu ý nguồn gốc ban đầu của các loại thực phẩm được sử dụng trong quá trình chế biến thịt nguội, ví dụ như thịt, gan heo còn tươi hay không.

Để đảm bảo sức khỏe, khi ăn bánh mì, thịt nguội nên chọn những cơ sở sản xuất, nơi bán có uy tín, vệ sinh sạch sẽ, bảo quản đúng cách, đảm bảo về nguồn gốc thực phẩm.

PN (SHTT)