Bệnh nhân là B.T.Đ (21 tuổi, trú tại TX.Ninh Hòa, sinh viên một trường ĐH trên địa bàn TP.Nha Trang), khởi phát bệnh ngày 11.3, với triệu chứng sốt, ho nhẹ, bệnh nhân tự mua thuốc uống nhưng bệnh không giảm. Sau 1 ngày điều trị ngoại trú, bệnh nhân mệt nhiều nên vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Hòa trong tình trạng sốt cao, đau bụng quanh rốn, đi cầu lỏng, được chẩn đoán nhiễm khuẩn ruột, nhiễm trùng huyết có dấu hiệu cảnh báo và chuyển vào khoa Truyền nhiễm điều trị. Ngày 17.3, bệnh diễn biến nặng nên bệnh nhân Đ. được chuyển vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa điều trị và được lấy mẫu bệnh phẩm gởi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm.
Ngày 20.3, kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A/H5. Sau đó, bệnh nhân diễn biến nặng, hôn mê đang chuyển cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.
Tối 22/3, kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang xác định loại kháng nguyên trong sinh viên nhiễm cúm gia cầm A/H5 là N1 (virus cúm A/H5N1). Trong ngày 22/3, CDC Khánh Hòa cùng với Chi cục Thú y vùng 4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Y tế Ninh Hòa, chính quyền địa phương đã tới nhà bệnh nhân để tiến hành điều tra dịch tễ, khử khuẩn môi trường tại hộ gia đình, hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh.
Cúm A/H5 nguy hiểm thế nào?
Cúm A/H5 là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính có diễn biến nguy hiểm ở người và động vật. Cúm A/H5 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, có nhiều nguyên nhân nhiễm cúm A/H5 như sinh sống gần các trang trại gia cầm và lợn là điều kiện thuận lợi làm tăng tính đột biến kháng nguyên virus, làm virus dễ lây nhiễm; Một số chợ trời, nơi bán gia cầm, trứng nhưng điều kiện vệ sinh không đảm bảo; Ăn thịt gia cầm và trứng chưa được nấu chín...
Biểu hiện của người nhiễm Cúm A/H5
Người bệnh nhiễm cúm A/H5 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. Các dấu hiệu sớm của bệnh cúm thường bắt đầu trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng như sốt cao đột ngột (trên 38 độ C), đau ngực, khó thở, mệt mỏi, cảm thấy rét run, choáng váng đầu óc; đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm... Bệnh có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như: suy hô hấp, viêm phổi cấp tính, tổn thương đa tạng, phải thở máy… thậm chí là tử vong.
Cúm A/H5 có thể trở thành dịch và lan rộng trong cộng đồng, vì vậy, người bị cúm A/H5 cần đến bệnh viện để chữa trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
Cúm A/H5N1 nguy hiểm thế nào?
Virus A/H5N1 là chủng cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao, có thể gây diễn tiến khó lường theo chiều hướng phức tạp, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao người (từ 50-60% trường hợp mắc). Do vậy, khi có yếu tố dịch tễ, sốt và triệu chứng viêm long đường hô hấp cần đến bệnh viện xét nghiệm khẳng định bị mắc vi rút cúm nào để có kế hoạch điều trị phù hợp. Bệnh cúm A/H5N1 có thể diễn tiến nghiêm trọng dần và gây biến chứng viêm phổi, tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Hiếm gặp hơn, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng viêm kết mạc. Tùy vào từng giai đoạn bệnh và thể trạng khác nhau ở mỗi người mà các triệu chứng sẽ khác nhau.
Trong số 18 type cúm, H5N1 được quan tâm với nhiều lý do:
- Đột biến nhanh và chứa các gen từ các loài động vật khác nhau.
- Tính sinh bệnh cao, có khả năng gây bệnh nặng ở người. Virus cúm A/H5N1 được chia làm 2 nhóm theo độc lực gồm: virus cúm gia cầm có độc lực thấp (LPAI) và virus cúm gia cầm có độc lực cao (HPAI). Hiện nay chỉ có các type H5, H7 và H9 là có độc lực cao.
- Virus có khả năng truyền trực tiếp từ chim, gà sang người.
- Khả năng tái tổ hợp nhiều gen virus và có thể lây dễ dàng từ người sang người, gây đại dịch ở người.
- Khả năng tồn tại rất cao ở môi trường bên ngoài. Virus có thể bị giết chết ở 56 độ C trong 3 giờ và 600 độ C trong 30 phút và các chất tẩy uế thông thường như formalin, iodin. Tuy nhiên, với các týp độc lực cao, virus có thể tồn tại lâu ở môi trường, đặc biệt ở nhiệt độ thấp, có thể sống ít nhất trong 35 ngày ở nhiệt độ 4 độ C. Nếu ở đông băng, virus có thể sống trong nhiều năm.
Dấu hiệu, triệu chứng bệnh cúm A H5N1
Người nhiễm virus cúm A H5N1 thường có những triệu chứng diễn biến cấp tính giống với các loại cúm thông thường, nhưng có thể kèm theo một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm hơn. Những dấu hiệu cơ bản bệnh cúm A/H5N1 cần lưu ý:
- Sốt cao liên tục trên 38 độ C.
- Cảm thấy rét run, mệt mỏi, choáng váng đầu óc.
- Đau ngực, tim đập nhanh.
- Đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm.
Chỉ sau nửa ngày, các triệu chứng do A/H5N1 trở nên trầm trọng. Người bệnh có biểu hiện suy hô hấp cấp như khó thở, thở nhanh, da tím tái. Các triệu chứng đi kèm là đau lan tỏa, mệt mỏi đặc biệt là đau đầu, đau nhức cơ, đau toàn thân, ý thức mê man.
Theo TL (Phụ Nữ Số)