11 trẻ ngộ độc, 1 ca tử vong sau khi ăn quả hồng châu
Báo Dân Trí dẫn lời BS Phạm Anh Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cho biết, liên tiếp trong 2 ngày 31/7 và 1/8, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận 11 trẻ, độ tuổi từ 3-12 tuổi bị ngộ độc do ăn quả hồng châu.
Các bệnh nhi đến từ thôn Chua Só, xã Tả Lủng và thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Gia đình các nạn nhân cho biết, vào dịp nghỉ hè, các cháu đi cắt cỏ cho gia súc, sau đó rủ nhau hái quả hồng châu ăn. Sau khi ăn, các cháu đều có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn.
Bệnh nhi tử vong là S.T.M., 9 tuổi, sống tại thôn Chua Só, xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn. Dù được điều trị tích cực, tình trạng nhiễm độc quá nặng đã dẫn đến tử vong vào khoảng gần 20h ngày 1/8.
Ngoài ra, còn 3 trẻ diễn biến nặng được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của 3 bệnh nhi không quá nặng. Đến ngày 2/8, các bé đã ổn định, dự kiến sẽ được ra viện vào ngày 3/8.
7 trẻ còn lại đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang và Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn. Các bé hiện ổn định sức khỏe, đã được xét nghiệm lại, kết quả bình thường. Các bé tỉnh táo, tự ăn uống được, sẽ sớm ra viện.
Quả hồng châu là gì?
Báo VTC News dẫn thông tin theo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hà Giang, cây hồng châu còn có tên gọi khác là cây rom, mề gà, khua mật, móc quạ... Cây thường mọc ở khu vực núi đá, thuộc dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng.
Lá cây to gần bằng 2 ngón tay người lớn, dài từ khoảng 11-12 cm, màu lá xanh đậm. Quả tròn to gần bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông. Quả non vỏ màu xanh nhạt, khi quả chín vỏ có màu tím và hơi mềm, bửa vào trong có lớp vỏ màu hồng.
Mỗi quả từ 4 - 6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước và mềm bao bọc, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô màu tím và hơi dẹt. Quả hồng châu chín vào thời gian tháng 6, 7, 8 hằng năm, do vậy đây cũng là thời điểm hay xảy ra những vụ ngộ độc quả này nhất.
Quả hồng châu chứa độc tố nguy hiểm thế nào?
Độc tố của quả hồng châu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt (chưa thấy trong cùi) của quả. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp.
Alcaloid có hoạt tính sinh lý rất cao đối với cơ thể con người và động vật, nhất là đối với hệ thần kinh. Một lượng nhỏ alcaloid cũng có thể gây chết người. Đặc biệt, các alcaloid trong thực vật thường ở dạng muối của các axit hữu cơ như axit malic, limonic, oxalic, succinic... dễ tan trong nước. Vì vậy nên dễ được hấp thu qua bộ máy tiêu hoá của người và động vật, gây độc mạnh, thông tin trên Phụ nữ Việt Nam.
Thử nghiệm trên động vật cho thấy, liều tối thiểu gây chết qua đường tiêu hóa của hạt có cả cùi đối với thỏ là 18g/kg thể trọng, đối với chuột cống trắng là 72g/kg thể trọng (động vật chết do suy hô hấp và trụy tim mạch). Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu ngộ độc do quả hồng châu.
Làm gì khi bị ngộ độc quả hồng châu?
Khi bị ngộ độc quả hồng châu, người ngộ độc thường thấy các biểu hiện như nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Nếu không được chữa trị kịp thời thì sẽ dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng.
Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Giang khuyến cáo, khi phát hiện người bị ngộ độc, cần nhanh chóng xử trí bằng cách như gây nôn ngay lập tức, cho uống đủ nước (tốt nhất là dùng oresol) và bổ sung thêm than hoạt (liều 1gam/kg cân cặng người bệnh), sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất bằng phương tiện vận chuyển, tuyệt đối không để người bệnh đi bộ.
Nếu người bệnh hôn mê, co giật thì phải cho người bệnh nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở, phải hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu tại chỗ.
Để tránh những vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra, các bác sỹ khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em tuyệt đối không ăn các loại cây, củ, quả lạ mọc trong rừng, trong đó có quả hồng châu để phòng ngừa ngộ độc có thể dẫn đến tử vong. Khi thấy trong người xuất hiện các các triệu chứng ngộ độc cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
PN (SHTT)