Ngày 30 Tết (30 tháng Chạp âm lịch) đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Vào ngày cuối cùng của năm cũ, các gia đình khắp mọi miền đất nước đều dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn mâm cơm cúng tổ tiên, cùng nhau chờ đón thời khắc giao thừa để "tống cựu nghinh tân".
Ngày cuối năm ấy còn đi vào câu ca dao: “Số cô chẳng giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà” để thấy rằng vào dịp Tết, dù khó khăn, thiếu thốn đến mấy thì nhà nào cũng cố gắng chuẩn bị mọi thứ đủ đầy.
Thế nhưng, theo cách tính âm lịch, không phải năm nào cũng có ngày 30 Tết, rất nhiều năm tháng Chạp chỉ có 29 ngày. Vì vậy, vào những năm này, người dân sửa soạn cho chiều cuối năm vào ngày 29 Tết.
Theo lịch âm, số ngày trong tháng được tính dựa trên con số thiên văn vận hành của Trái đất, Mặt trăng và Mặt trời. Nhiều người còn gọi lịch âm là lịch Mặt trăng vì tuân theo quan sát chu kỳ trăng tròn.
Thời điểm thứ tự Trái đất - Mặt trăng - Mặt trời nằm thẳng hàng, người quan trắc đứng trên Trái đất không còn nhìn thấy Mặt trăng, đó là ngày mùng 1 (ngày Sóc).
Khi thứ tự Mặt trăng - Trái đất - Mặt trời nằm thẳng hàng, đó là thời điểm trăng tròn. Mặc dù ngày rằm (ngày 15 âm lịch) chưa chắc đã đúng là lúc trăng tròn, nhưng ngày mùng 1 thì luôn luôn là ngày Sóc.
Cách làm lịch âm khá chi tiết và phức tạp, xác định chu kỳ từ trăng tròn đến trăng khuyết có 29,53 ngày. Vì vậy, sẽ có tháng thừa (30 ngày) và tháng thiếu (29 ngày).
Theo Lịch vạn niên, năm nay sẽ có ngày 30 tháng Chạp, tức ngày 30/12 âm lịch. Tuy nhiên, phải tới năm 2033 mới lại có ngày 30 tháng Chạp, còn từ năm 2025 - 2032 tháng Chạp chỉ có 29 ngày. Điều đó có nghĩa là sau ngày 30 Tết năm nay, phải gần 10 năm nữa mới lại có ngày 30 Tết đúng nghĩa.
Mời các bạn tham khảo lịch âm dịp Tết Nguyên đán trong các năm tới:
Theo Lý Đào (VietNamNet)