Tác dụng của nhãn đối với sức khỏe
Giá trị dinh dưỡng cao
Theo Đông y Việt Nam, long nhãn được gọi là quế viên, vị ngọt, tính bình, có chức năng bổ ích tâm tỳ, ích khí, dưỡng huyết an thần. Còn có thể sinh tân dịch, nhuận ngũ tạng, là loại quả ngon, bổ dưỡng tốt...
Y học hiện đại cho biết nhãn rất giàu giá trị dinh dưỡng như protein, chất béo, đường thiên nhiên, các loại vitamin và khoáng chất như: vitamin A , C, kali, photpho, magie, sắt, axit hữu cơ, chất xơ…
Chống viêm, tăng cường khả năng miễn dịch
Thành phần dinh dưỡng của quả nhãn có đặc tính kháng viêm. Chính vì thế, nhãn có thể được sử dụng trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày để điều trị các bệnh liên quan đến viêm. Hàm lượng vitamin C trong nhãn khá cao, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể hiệu quả.
Tăng khả năng ghi nhớ, nhận thức, bảo vệ thần kinh
Nhãn là loại trái cây có tác dụng tăng cường khả năng tập trung và ghi nhớ cho con người. Không những thế, quả nhãn có tác dụng làm giảm thiểu lo âu, điều trị chứng mất ngủ, làm cải thiện chức năng của hệ thần kinh
Bảo vệ cơ thể, ngăn ngừa các bệnh mãn tính
Hàm lượng vitamin C trong quả nhãn giúp thúc đẩy quá trình sản xuất collagen, cần thiết cho mọi mô, tế bào trong cơ thể. Các khoáng chất khác trong nhãn như đồng, manga, sắt,… , cũng giúp loại bỏ các gốc tự do, ngăn chặn sự đột biến của các tế bào, làm giảm thiểu nguy cơ bị viêm khớp, ung thư và bệnh tự miễn
Những người không nên ăn nhãn
1. Người bị tiểu đường: Nhãn là trái cây có hàm lượng đường cao, nó vừa cung cấp nhiều năng lượng vừa cung cấp lượng đường lớn trong máu. Với người có bệnh tiểu đường, ăn nhãn không có lợi vì khiến đường huyết tăng cao đột ngột rất nguy hiểm.
2. Người bị mụn nhọt: Ăn nhiều nhãn cũng là nguyên nhân gây ra mụn nhọt, mẩn ngứa… Bởi nhãn chứa nhiều đường nên khi ăn nhiều sẽ làm tăng đường trong máu, ảnh hưởng đến da. Nếu người nóng trong, hay nổi mụn nhọt, khi ăn nhãn cần bổ sung đủ nước (2-2,5l/ngày) và rau xanh (200-300g/ngày).
3. Phụ nữ mang thai: Theo Đông y, nhãn có mùi thơm vị ngọt, tính ôn nhiệt, có chức năng bổ ích tâm tỳ, ích khí, dưỡng huyết an thần, còn có thể sinh tân dịch, nhuận ngũ tạng, là loại quả ngon, bổ dưỡng tốt. Tuy nhiên, nhãn tính ngọt thơm, ấm, nên đối với người đờm hỏa bên trong và bị bệnh nóng trong thì không nên ăn, nhất là phụ nữ có thai lại càng phải kiêng.
Phụ nữ có thai, phần lớn xuất hiện âm hỏa hư, có triệu chứng nóng trong và thường có các hiện tượng như táo bón, tiểu tiện sẻn đỏ, rêu lưỡi khô và vàng, miệng đắng, họng rát, cần tư âm thanh nhiệt, lương huyết an thai, nếu lúc này ăn nhãn, chẳng những không có tác dụng bồi bổ, ngược lại còn làm tăng nóng trong, động thai, ra huyết đau bụng, đau tức bụng dưới, thậm chí tổn thương thai khí, dẫn tới sảy thai, đặc biệt là phụ nữ có thai thời kỳ đầu đến 7-8 tháng, càng phải kiêng ăn nhãn.
4. Người bệnh tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ: Cũng như xoài hay mít, nhãn cũng là loại quả mà người bị bệnh tăng huyết áp không nên ăn vì trong những loại quả này có tính nhiệt cao, nếu ăn vào sẽ gây áp lực cho tim mạch, dẫn đến tăng huyết áp, không tốt cho sức khỏe.
5. Người thừa cân, béo phì: Nhiều người thường nghĩ ăn nhiều hoa quả sẽ không bị béo phì. Đây là một quan niệm đúng nếu như biết lựa chọn các loại quả để ăn và tuân thủ các nguyên tắc về thời gian và liều lượng.
Khi ăn nhiều, các loại quả này sẽ cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng khá lớn. Ví dụ, nếu ăn hai quả chuối tiêu loại 100g thì năng lượng cũng bằng ăn một bát cơm; ăn một quả na, một quả xoài loại 200-250g, ăn 300g mít, hoặc vải, nhãn thì cũng tương đương với một bát cơm. Vì vậy, khi bạn nhịn ăn cơm nhưng ăn nhiều hoa quả ngọt sẽ tăng cân. Muốn không bị béo hoặc giảm cân, nên ăn các loại quả có hàm lượng đường thấp.
Biên Thùy (SHTT)