Mới đây, BS CKI Nguyễn Thanh Sang (Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố) đã chia sẻ hình ảnh lòng bàn tay của một đứa trẻ uống khoảng 2000-2500 ml sữa tươi mỗi ngày khiến ai nấy đều xót xa, lo lắng.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang cung cấp thông tin, mẹ bé bận việc nên toàn mua cơm ngoài về ăn cùng bà ngoại. Còn bé ngủ dậy thì bà ngoại cứ khui sữa cho uống. Bà nội nhiều lần thấy bé xanh quá khuyên đi khám nhưng bà ngoại không đưa đi. Đến lúc bố bé đi công tác xa về thấy con như vậy liền tức tốc đưa bé lên Sài Gòn bằng xe cấp cứu và nhập Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.
Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số Hemoglobin (HGB) của bé gái này chỉ còn có 1/3 so với bé gái 3 tuổi bình thường khác. Bé bị thiếu máu do thiếu sắt. Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe thì thiếu máu ở bé gái còn ảnh hưởng đến cả phát triển tâm - sinh lý của con sau này!
Có 3 nguyên nhân khiến uống sữa tươi nhiều gây thiếu máu thiếu sắt
- Thứ nhất, sữa tươi chứa hàm lượng canxi, phospho cao gấp 4-5 lần sữa mẹ. Tuy nhiên, nồng độ canxi, phospho cao ấy lại là nguyên nhân cản trở ruột hấp thụ sắt từ thức ăn.
- Thứ hai, sữa tươi chứa 80% protein casein (trong khi sữa mẹ chứa 40% casein) nên nó cản trở ruột hấp thụ sắt.
- Thứ ba, sữa tươi hay sữa mẹ đều chứa rất ít sắt. Nhưng trẻ bú mẹ hoàn toàn vẫn không thiếu sắt 4 tháng đầu đời là nhờ lượng sắt dự trữ trong gan của con. Còn trẻ sau 4 tháng tuổi, đặc biệt sau 12 tháng là phải chọn chế độ ăn giàu sắt rồi.
"Nếu trước khi ăn, một đứa bé 12-13kg được đưa cho một hộp sữa, chắc chắn trẻ sẽ chẳng còn hứng thú với ăn uống. Chúng sẽ cảm thấy đủ năng lượng và không đói, mà không đói là biếng ăn. Bố mẹ lại thấy bé biếng ăn nên sợ con đói, quăng thêm 1 hộp sữa nữa, do đó mà vòng xoáy biếng ăn nặng hơn", bác sĩ Nguyễn Thanh Sang giải thích thêm.
Những yếu tố nguy cơ thiếu sắt ở trẻ
- Nhóm trẻ từ sau 6 tháng tuổi, và đặc biệt nếu bú mẹ hoàn toàn thì nguy cơ còn cao hơn vì sữa mẹ rất ít sắt. Lúc 6 tháng ăn dặm bố mẹ xin hãy lưu ý cho bé ăn uống đa dạng, giàu sắt… và có thể bắt đầu bổ sung sắt nếu cảm thấy chế độ ăn của con không đủ sắt (CDC và WHO khuyên từ 4th có thể bổ sung liều 1mg/kg/ngày).
- Nhóm trẻ sinh non trước 36 tuần tuổi hoặc cân nặng lúc sinh dưới 2500r đều được bác sĩ sơ sinh bổ sung sắt từ lúc mới sinh. Những bé này có nguy cơ thiếu sắt rất cao do ra đời sớm, lượng sắt trong cơ thể ít nên sẽ dùng hết sắt và thiếu sắt.
- Mẹ thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu thiếu sắt ở trẻ. Vì vậy, bản thân người phụ nữ khi có ý định mang thai cần chuẩn bị một cơ thể khỏe mạnh, đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung sắt và các vi chất cần thiết. Ngoài các mũi tầm soát, cũng cần làm xét nghiệm để đánh giá tình trạng sức khỏe trước khi mang thai.
- Trẻ uống sữa công thức thì ít có nguy cơ thiếu sắt vì hiện nay sắt trong sữa công thức rất cao và đủ.
Thời điểm bổ sung sắt tốt nhất
- Nguyên tắc là uống khi đói, trước hoặc sau ăn 30-60 phút đều được, có thể uống kèm Vitamin C để tăng hấp thụ do vitamin C tạo môi trường acid giúp vận chuyển sắt qua niêm mạc tốt hơn. Nhưng nếu bé bị kích ứng dạ dày, nôn khi uống sắt thì uống khi no cũng được, đương nhiên hiệu quả ít hơn.
- Nếu bé đang bổ sung các chất khác thì nên cách nhau ít nhất 1 giờ.
- Lưu ý quan trọng rằng "Khi bé đang SỐT + NHIỄM TRÙNG thì KHÔNG dùng sắt, vì SẮT là nguồn "thức ăn" cho VI KHUẨN phát triển mạnh hơn nhanh hơn". Chỉ bổ sung khi bé đã hết sốt. Bố mẹ lưu ý điều này nhé!
Theo An Chi (Phụ Nữ Số)