Đây là hồi chuông cảnh báo mọi người cần hiểu rõ các tác nhân gây bệnh, đi khám sàng lọc và áp dụng các thay đổi lối sống để phòng ngừa bệnh. Các yếu tố thúc đẩy ung thư là lối sống kém lành mạnh, ô nhiễm và lười vận động.
Tiến sĩ Amit Bhargava, Viện Ung thư Fortis (Ấn Độ), cho biết: “Hầu hết khối u ác tính đều liên quan đến lối sống. Sự khởi phát sớm có thể do thời gian dài hút thuốc, uống rượu, dùng thực phẩm chế biến sẵn (tất cả đều chứa hóa chất), ít hoạt động”.
Ngoài ra, theo Indian Express, các chất ô nhiễm trong môi trường sống cũng gây hại cho sức khỏe. Mọi người có thể hít phải các hóa chất gây ung thư từ không khí gây ra đủ các loại bệnh ác tính chứ không riêng ung thư phổi. Lựa chọn thực phẩm tiện lợi cũng làm gia tăng ung thư đường tiêu hóa.
Tiến sĩ MD Ray, chuyên gia phẫu thuật ung thư ở Delhi (Ấn Độ), cảnh báo, những lựa chọn lối sống thiếu lành mạnh đang khiến chúng ta phải trả giá, ảnh hưởng tới 30% dân số trẻ. “Tỷ lệ mắc bệnh gia tăng ở nhóm dưới 45 tuổi. Nghiên cứu đánh giá thủ phạm chính khiến ung thư vú khởi phát sớm là sự gia tăng estrogen do lối sống ít vận động”, Tiến sĩ Ray thông tin.
Trong khi đó, các độc tố hóa học xâm nhập vào cơ thể sẽ tác động trực tiếp lên niêm mạc các cơ quan và mạch máu. Các tế bào bị khiếm khuyết hoặc thay đổi đặc tính, cuối cùng dẫn đến ung thư. "Ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú có liên quan đến các hóa chất độc hại trong cơ thể”, Tiến sĩ Bhargava giải thích.
Tiến sĩ Pankaj Malhotra, Viện Nghiên cứu và Giáo dục y tế sau đại học, nhận định, có nhiều nguyên nhân gây ung thư không thể thay đổi được nhưng việc điều chỉnh lối sống sẽ giảm đáng kể nguy cơ.
Ông giải thích, việc hút thuốc (kể cả hút thuốc thụ động) làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang, thực quản, đầu, cổ và thận. “Khói thuốc lá chứa khoảng 70 chất gây ung thư, chủ yếu là hydrocarbon phức. Khoảng 33% các bệnh ung thư có thể trực tiếp hoặc gián tiếp do hút thuốc lá. Ngoài ra, lạm dụng rượu là nguyên nhân hàng đầu khác gây bệnh ở 25% số bệnh nhân ung thư vú, gan, đầu và cổ, thực quản, ruột”, Tiến sĩ Malhotra nói.
Tương tự, béo phì và lười hoạt động thể chất có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra 20% số ca ung thư. Khoảng 30% các ca bệnh ung thư vú, buồng trứng, ruột kết, tuyến tụy và tuyến tiền liệt liên quan tới di truyền.
Ở phụ nữ, các yếu tố tăng nguy cơ ung thư còn gồm trì hoãn mang thai lần đầu, không cho con bú và sử dụng thuốc tránh thai. Đặc biệt ở phụ nữ đang đi làm, căng thẳng liên quan công việc làm tăng khả năng mắc ung thư lên tới 70% so với những người không đi làm.
Theo An Yên (VietNamNet)