Ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Nhâm nằm bên vách núi thuộc xóm Đễnh, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Hôm chúng tôi đến thăm, cánh cửa nhà chị khép hờ nhưng gọi mãi không thấy người thưa. Cụ bà hàng xóm hớt hải chạy sang "chắc lại lên cơn đau rồi, khổ lắm". Chúng tôi đẩy cửa vào nhà, đúng như bà cụ nói, chị Nhâm đang ôm đầu nằm co ro trên chiếc ghế.
Chị Nhâm cho biết, sau ngày bị kẻ thủ ác tạt axit khiến chị bị hỏng một bên mắt và mất 68% sức khỏe. Từ một người khỏe mạnh, chị Nhâm mắc chứng đau nửa đầu. Có lúc cơn đau dữ dội khiến chị Nhâm ngất đi. Suốt mấy năm qua, mỗi lần trái nắng trở trời, những cơn đau lại hành hạ khiến chị Nhâm phải dùng thuốc giảm đau liều cao.
"Có ngày tôi phải dùng đến 6 viên thuốc giảm đau, biết là hại dạ dày nhưng tôi không còn cách nào khác", chị Nhâm tâm sự.
Sinh năm 1982, thuở mười tám đôi mươi, chị Nhâm là cô gái Mường xinh đẹp. Qua mai mối, chị Nhâm quen rồi kết hôn với một người đàn ông hiền lành, chí thú làm ăn. Hạnh phúc nhân lên khi vợ chồng chị Nhâm có con. Cuộc sống tưởng cứ thế êm đềm trôi qua, nào ngờ một ngày giữa năm 2009, chị bàng hoàng nhận được tin báo chồng mình qua đời trong một vụ tai nạn giao thông.
Từ khi chồng mất, gánh nặng mưu sinh đè cả lên đôi vai chị Nhâm. Kinh tế eo hẹp, người phụ nữ ấy phải gạt nỗi đau mất chồng, làm đủ mọi nghề để có tiền phụng dưỡng bố mẹ chồng và nuôi 2 con ăn học. Ngoài công việc nương rẫy, những lúc rảnh rỗi, chị Nhâm đi làm thuê, mỗi tháng cũng được khoảng 4-5 triệu đồng, đủ để cho 3 mẹ con đắp đổi qua ngày.
Sau 2 năm kể từ ngày chồng mất, chị Nhâm xin được một công việc phù hợp tại một trạm dừng nghỉ bên Quốc lộ 6. Tại đây, chị Nhâm đã quen Nguyễn Trọng Lộc (SN 1969, trú tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
"Mặc cả" tình yêu bằng axit
Dù cuộc sống lam lũ nhưng chị Nhâm vẫn giữ được nét mặn mà của mình. Thấy người đồng nghiệp xinh đẹp, Lộc đem lòng thương mến và nhiều lần ngỏ lời yêu với chị Nhâm. Biết Lộc đã có vợ con nên chị Nhâm khước từ. Thế nhưng mặc cho chị Nhâm tìm cách tránh mặt, Lộc vẫn đeo bám. Hắn còn tuyên bố, nếu không đáp lại tình cảm của hắn, chị Nhâm sẽ "sống không bằng chết".
Đầu năm 2019, khi đang trên đường đi làm, chị Nhâm bị một người đàn ông lạ mặt tạt axit vào người và bị bỏng ở vùng đùi, phải điều trị nhiều ngày. Sau khi sự việc xảy ra, chị Nhâm chọn cách im lặng, không trình báo sự việc với cơ quan chức năng. Lúc đó, bản thân chị chỉ muốn yên ổn làm ăn và cũng suy nghĩ đơn giản rằng, chắc Lộc chỉ "trả thù cho mối tình đơn phương đến vậy là quá lắm rồi".
Thay số điện thoại, chuyển nơi làm việc mới với hy vọng sẽ được bình yên, nào ngờ bi kịch đã đổ xuống đầu chị Nhâm. Sau lần tạt axit đó, thấy chị Nhâm bình phục và đi làm trở lại, Nguyễn Trọng Lộc càng tức tối, tìm cách dằn mặt, trả thù người mà mình từng si mê. Lần này, gã đàn ông không trực tiếp ra tay mà thuê Nguyễn Văn Cảnh (SN 1988, trú tại huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) để hại chị Nhâm.
Ngày 18/8/2019, khi chị Nhâm đang làm việc tại khu bếp của trạm dừng nghỉ Như Ngọc thì Cảnh đột ngột xuất hiện, dùng cốc sứ đựng đầy axit tạt thẳng vào mặt chị. Do sự việc diễn ra quá bất ngờ, chị Nhâm chỉ biết ôm mặt kêu cứu trong khi kẻ thủ ác đã nhanh chóng trốn khỏi hiện trường.
Không như sự việc lần trước, lần này, người thân của chị quyết định trình báo vụ việc với cơ quan chức năng. 10 ngày sau khi gây án và bỏ trốn, Cảnh bị cơ quan chức năng bắt giữ. Vào cuộc điều tra, cơ quan công an xác định kẻ chủ mưu đứng sau vụ án chính là Lộc. Sau đó, Lộc đã bị đưa ra xét xử và nhận án tù về hành vi "cố ý gây thương tích".
Từ một người lành lặn, thân thể chị Nhâm giờ chằng chịt vết sẹo. Một nửa mặt của chị Nhâm bị bỏng nặng vì axit nên đã phải trải qua nhiều lần cấy ghép da. Mắt trái của chị dù đã trải qua 5 lần phẫu thuật nhưng cũng không thể cứu được.
Sau đó, chị đã lắp mắt giả nhưng cơ thể đào thải. Bây giờ, mỗi lần tiếp khách, chị phải đeo kính đen và ngồi cách xa vì mặc cảm những vết sẹo trên người mình có thể khiến người đối diện sợ.
Chị Nhâm nói rằng, so với nhiều nạn nhân khác, chị vẫn là người may mắn khi cơ thể thích ứng tốt với các loại thuốc liền da. Sau gần 3 năm, toàn bộ vết bỏng trên mặt đã lành, không để lại vết sẹo lớn. "Về mặt thẩm mĩ là tốt nhưng da mặt tôi vẫn bị căng, đặc biệt là sinh ra chứng đau đầu", chị Nhâm tâm sự.
Cách đây một năm, thấy chị Nhâm đã hồi phục tốt, nhà hàng nơi chị làm trước đây đã mời chị quay lại làm việc, cũng là cách để hỗ trợ chị có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, mới làm được ít ngày, chị Nhâm đã bị ngất mấy lần. Tia hi vọng trở lại cuộc sống trước đây tắt lịm, chị Nhâm trở về nhà trong nỗi buồn vô hạn.
Gần đây, chị nhận cuốn mô-tơ điện cho một cửa hàng điện máy. Công việc làm tại nhà này giúp chị Nhâm kiếm được 30-50 nghìn đồng/ngày. "Sau khi tôi bị tạt axít, con lớn của tôi đã phải bỏ học, đi làm thuê. Mới đây, con út cũng phải bỏ dở việc học khi mới học đến lớp 9, cháu xuống Hà Nội tìm việc", chị Nhâm chia sẻ.
Ngôi nhà của gia đình chị Nhâm đang ở hiện xuống cấp nghiêm trọng dù cách đây 2 năm, chị đã được một doanh nghiệp hỗ trợ lợp mái tôn. Chị Nhâm cho biết, hiện tại, chị chỉ mong bản thân khỏe để có thể tự kiếm sống, không trở thành gánh nặng cho con.
"Giờ tôi cứ đau đầu liên miên, không biết những tháng ngày tiếp theo sẽ thế nào. Tháng nào tôi cũng mất 3-4 triệu đồng tiền thuốc. Mới đây, một nhà hàng đã nhận tôi vào làm rửa bát. Tôi chỉ mong những cơn đau sẽ thuyên giảm để tôi có thể làm việc, tự lo được cho bản thân.
Nghĩ đến 2 đứa con phải bỏ học sớm, tha hương đi kiếm tiền nuôi mẹ, tôi quặn thắt cõi lòng", chị Nhâm nói.
Theo Minh Châu (Phụ Nữ Việt Nam)