Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Tú, khoa Ung thư tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chia sẻ trên báo Sức khỏe & Đời sống rằng, người bệnh ung thư tiêu thụ năng lượng rất lớn, nhu cầu tối thiểu 25-30 kcal/kg/ngày.
Một số trường hợp có thể cần 40-50 kcal/kg/ngày. Trong đó, protein (đạm) chiếm 15-20% tổng năng lượng, riêng protein động vật chiếm 30-50% tổng nhu cầu đạm. Ngoài ra còn có lipid, glucid, vitamin, khoáng chất và chất xơ, cùng 2-3 lít nước mỗi ngày.
Nhiều người bệnh kiêng thịt đỏ và các thực phẩm giàu protid như sữa, trứng. Thực chất, theo bác sĩ Tú, protid là yếu tố cơ bản giúp cơ thể làm lành vết thương, chống nhiễm khuẩn trong và sau phẫu thuật, hóa chất và xạ trị.
Đây cũng là nguyên liệu bồi phụ lại khối cơ của cơ thể đã mất do quá trình dị hóa. Nó còn giúp tăng khả năng ngon miệng trong khi người bệnh luôn chán ăn, ăn uống kém.
Trao đổi với VnExpress, Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết, theo khuyến nghị của Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ và Quỹ Nghiên cứu Ung thư Quốc tế cho thấy người bệnh ung thư không loại bỏ hoàn toàn thịt đỏ trong khẩu phần ăn.
Bởi thịt đỏ là nguồn cung cấp giá trị dinh dưỡng lớn, giàu protein, giàu sắt, kẽm và vitamin B12 cần thiết cho cơ thể. Dinh dưỡng đầy đủ giúp cơ thể tăng cường sức khỏe, tăng đề kháng, chống chọi bệnh tật.
Bệnh nhân có thể ăn dưới 500 gram thịt đỏ một tuần (khoảng 70 gram mỗi ngày) và hạn chế thịt chế biến sẵn. Những người vẫn lo lắng về nguy cơ ung thư liên quan đến thịt đỏ và những người bệnh ung thư có thể xem xét giảm tiêu thụ thịt đỏ và thay thế bằng nguồn thực phẩm cung cấp đạm khác như trứng, sữa, đậu...
Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
Việc duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh rất quan trọng với những bệnh nhân ung thư. Điều này giúp cải thiện đáng kể sức đề kháng, đồng thời giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị.
Sau đây là một số nguyên tắc dinh dưỡng dành cho bệnh nhân ung thư.
Tăng cường dinh dưỡng
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương lưu ý, để đảm bảo dinh dưỡng người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo các nhóm chất: đạm, bột đường, béo, vitamin, khoáng chất.
Một chế độ ăn khoa học, lành mạnh sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khoẻ để chống lại ung thư chứ không phải là "cung cấp thêm chất đạm” cho khối u.
Bệnh nhân ung thư tuyệt đối không ăn kiêng
Theo bài viết trên website Bệnh viện Tâm Anh, hiện chưa có bằng chứng nào cho những tuyên bố về một số loại thực phẩm có thể chữa khỏi bệnh ung thư, hoặc một số loại thực phẩm có thể làm cho tình trạng ung thư trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, không cần thiết phải cố gắng ăn hoặc tránh ăn bất kỳ loại thực phẩm cụ thể nào.
Người bị ung thư nên ăn các loại rau củ
Rau củ chính là loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe của bệnh nhân ung thư. Bệnh nhân nên bổ sung các loại rau củ chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa trong thực đơn ăn uống. Các loại rau này giúp tăng cường sức đề kháng, phục hồi sức khỏe sau khi thực hiện hóa trị, xạ trị.
Chia nhỏ bữa, ăn thêm bữa phụ
Theo Bệnh viện đa khoa MEDLATEC, bệnh nhân ung thư thường gặp phải tình trạng chán ăn, ăn kém, lười ăn, không có cảm giác ngon miệng khi ăn. Điều này dẫn đến tình trạng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể không được cung cấp đủ, gây mệt mỏi, suy nhược và cả việc khiến người bệnh không có đủ sức khỏe để tiếp tục quá trình điều trị.
Vì thế, để có thể giúp tăng cường thêm dinh dưỡng, người bị ung thư nên chia nhỏ các bữa ăn, ăn thêm bữa phụ bên cạnh ba bữa chính.
Ngoài chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh, bệnh nhân ung thư cần hạn chế các loại thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao, không nên ăn các loại cháy, các thực phẩm chế biến sẵn, tránh các chất kích thích rượu, bia, thuốc lá. Đồng thời, người bệnh nên duy trì chế độ ăn giảm muối, không dùng dầu mỡ rán đi rán lại nhiều lần.
PN (SHTT)