Nhai thức ăn quá nhanh dễ mắc bệnh béo phì, rút ngắn tuổi thọ
Tuổi thọ không thể dự đoán chính xác tuyệt đối vì nhiều yếu tố khó lường ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu mắc một số bệnh như béo phì, bệnh tim, ung thư,... khả năng cao tuổi thọ của bạn sẽ bị rút ngắn, đặc biệt là bệnh béo phì. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo: Đến năm 2030, khoảng 41% dân số thế giới sẽ mắc chứng thừa cân.
Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng LB Nga cảnh báo bệnh béo phì mức độ nhẹ giảm trung bình 3 đến 5 năm tuổi thọ của con người; còn nếu ở mức độ nặng, con người sẽ mất đi 15 năm sống. Thừa cân béo phì dẫn đến nhiều bệnh lý khác như thoái hóa khớp, loãng xương, bệnh tim mạch, tiểu đường, suy giảm trí nhớ, bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp.
Chế độ ăn uống đóng vai trò ngăn ngừa nguy cơ béo phì, đẩy lùi nguy cơ tử vong do căn bệnh nà. Và tốc độ ăn có tác động lớn đến việc một người có mắc béo phì hay không. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh, với đối tượng nghiên cứu là người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2, chỉ số BMI 25 trở lên cho thấy ăn chậm sẽ ức chế sự phát triển của bệnh béo phì.
Ngoài tốc độ nhai, các thói quen sinh hoạt của nhóm tình nguyện viên như ăn tối, ăn vặt sau bữa tối, bỏ bữa sáng, tần suất sử dụng chất kích thích và ngủ đủ giấc cũng được xem xét để đưa đến kết luận cuối cùng.
Những người ăn chậm và ăn với tốc độ bình thường sẽ ít có khả năng bị béo phì hơn những người ăn nhanh. Ăn chậm còn giúp giảm chỉ số BMI và số đo vòng eo. Các nhà nghiên cứu kết luận biện pháp can thiệp nhằm giảm tốc độ ăn uống có hiệu quả trong việc ngăn ngừa căn bệnh béo phì nguy hiểm và giảm nguy cơ mắc bệnh lý liên quan, từ đó kéo dài tuổi thọ.
Nếu bạn có thói quen ăn nhanh, bạn cần biết thói quen này có thể gây ra những ảnh hưởng dưới đây:
Khó tiêu
Theo một nghiên cứu gần đây, ăn nhanh có thể gây trào ngược dạ dày thực quản, loại rối loạn tiêu hóa đặc biệt, gây ra đau rát trong ngực. Trong một số trường hợp, bệnh này có thể làm hẹp thực quản, có thể khiến bạn gặp khó khăn khi nuốt. Một số rối loạn khác như đầy hơi và nấc có thể cũng xuất hiện vì trong khi nhai thức ăn, bạn có thể nuốt phải không khí.
Ăn quá nhiều
Khi bạn ăn nhanh, về cơ bản là bạn nhồi nhét thức ăn vào bụng. Dạ dày không có đủ thời gian để chuyển tín hiệu tới não là bạn đã ăn đủ và nên dừng lại. Theo đó, bạn có xu hướng ăn quá nhiều. Mặt khác, ăn chậm giúp bạn có thể thời gian cần để dạ dày gửi tín hiệu tới não thông báo thức ăn đã đủ. Vì vậy, bạn hấp thu ít calo hơn khi ăn chậm.
Không kịp thưởng thức thực phẩm
Một bữa ăn vội vã có thể không mang đến cho bạn cảm giác được thưởng thức mùi vị, màu sắc của thực phẩm. Bạn có thể ăn nhanh vì thói quen, hoặc tại một số thời điểm thời gian hạn hẹp hoặc khi lái xe, bận việc…Dù là với lý do nào, bạn cũng nên giảm tốc độ và thưởng thức bữa ăn.
Giảm căng thẳng
Khi bạn đang ăn, chỉ cần tập trung vào việc đó. Tập trung vào thực phẩm bạn ăn thay vì nghĩ đến những chuyện khác. Bằng cách nhai chậm, bạn sẽ chú ý tới thực phẩm hơn và thưởng thức chúng, kết quả là sẽ cảm thấy hạnh phúc và giảm căng thẳng.
Cải thiện tiêu hóa
Ăn chậm sẽ giúp bạn nhai nát thực phẩm, cải thiện tiêu hóa. Khi khả năng tiêu hóa được cải thiện, bạn sẽ ít gặp phải các rắc rối về tiêu hóa.
Giảm cân
Khi bạn ăn nhanh, bạn sẽ ăn liên tục ngay cả khi đã no vì não không nhận biết được bạn đã no. Tuy nhiên, khi bạn ăn chậm, bạn có đủ thời gian để gửi tín hiệu tới não rằng bạn đã no và nên dừng lại. Bằng cách này, bạn có thể giảm cân nhờ ăn chậm.
NT (SHTT)