Ngứa da sau khi tắm cảnh báo nguy cơ mắc bệnh gì?

09/11/2023 09:43:53

Tắm mang lại cảm giác sảng khoái, sạch sẽ nhưng sau đó, một số người lại bị ngứa da, khó chịu. Đó có thể là dấu hiệu của mày đay, bệnh đa hồng cầu, ung thư hạch...

Theo Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - nguyên trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 2, ngứa da sau khi tắm là dấu hiệu bình thường có thể gặp ở bất cứ ai, nhất là khi nước quá nóng. Tuy nhiên, một số trường hợp ngứa da lại cảnh báo bệnh nguy hiểm: 

Thứ nhất, bệnh đa hồng cầu. Đây là một dạng ung thư máu hiếm gặp, người bị bệnh này thường có máu “đặc” hơn. Các triệu chứng gồm đau đầu, chóng mặt, đau ngực, thị giác bị ảnh hưởng, xuất hiện cục máu đông, gan và lách to hơn, da đỏ hồng, ngứa ngáy. 

Thứ hai, ung thư hạch hay u lympho Hodgkin. Ngoài các hạch bạch huyết ở cổ, nách, bẹn, người bệnh có thể bị sốt, ngứa da nhất là lúc tắm xong, đổ mồ hôi về đêm, mệt mỏi và giảm cân không rõ nguyên nhân. 

Thứ ba, bệnh mày đay. Bệnh không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Người bệnh cảm thấy rất khó chịu vì phát ban, ngứa. Một số người bị mày đay khi tiếp xúc với nước. Chỉ tắm vài phút, họ đã bị ngứa. 

Thứ tư, rối loạn tâm thần. Một số rối loạn thần kinh và tâm thần có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa da. Bệnh nhân có thể bị lo âu, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Ngứa da sau khi tắm cảnh báo nguy cơ mắc bệnh gì?
Ảnh minh họa: Internet

Phó giáo sư Nam khuyến cáo, nếu bạn bị ngứa kéo dài, dai dẳng mỗi khi tắm, tốt nhất bạn nên tới cơ sở y tế thăm khám. 

Bác sĩ sẽ xác định và loại trừ các bệnh nguy hiểm trên. Sau đó, bác sĩ có thể đánh giá khả năng kích ứng trên da để xác định nguyên nhân khiến người bệnh bị ngứa sau khi tắm do nước, sử dụng hóa mỹ phẩm hay các thói quen khác.

Để tránh hiện tượng ngứa da sau tắm, bạn áp dụng một số cách sau: 

Thay đổi thói quen tắm: Tốt nhất bạn tắm nước ấm vừa phải, thời gian ngắn, không tắm nhiều lần một ngày, hạn chế sử dụng các hóa mỹ phẩm trên da. Bạn có thể dùng một số chất tẩy tế bào chết nhưng không cần thường xuyên.

Chọn xà phòng tắm: Bạn nên chọn các loại xà phòng nhẹ nhàng dành cho da nhạy cảm hoặc thảo dược. Bạn có thể dùng muối, chanh tắm cũng rất tốt. Đây là những sản phẩm không gây dị ứng và phù hợp với loại da của từng người.

Lưu ý dùng khăn và bông tắm: Bác sĩ Nam cho biết thói quen sử dụng bông, khăn tắm chà mạnh dễ khiến da bị tổn thương, gây ngứa ngáy. Bạn nên chọn bông, khăn tắm mềm, nhẹ, làm sạch khăn tắm và bông tắm tránh nhiễm khuẩn để bảo vệ làn da. 

Sau khi tắm xong, da còn ẩm bạn nên thoa kem dưỡng toàn thân để bổ sung lượng nước bị mất, giúp da giảm kích ứng, ngứa khó chịu. Ngoài ra, bạn cần uống đủ nước để bồi hoàn lượng nước bài tiết qua da cũng giúp da cung cấp đủ nước, giảm khô, hạn chế ngứa.

Phó giáo sư Nam khuyến cáo thêm, trong trường hợp áp dụng các biện pháp trên không hiệu quả, bạn có thể liên hệ với bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn dùng thuốc phù hợp. 

Theo Phương Thúy (VietNamNet)

 

Nổi bật