Cãi nhau là để hiểu nhau chứ không phá nát
Chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh cho rằng, khi cãi nhau, nhiều phụ nữ thích lật lại toàn bộ những chuyện cũ ra để nói cho bõ tức. Đó là sai lầm! Trong cơn cãi vã thì các câu chuyện đó không bao giờ là chuyện vui vẻ rồi.
Vậy nên, khi cãi nhau, điều cấm kỵ bạn nên tránh đó là không moi móc chuyện quá khứ, không bới lông tìm vết. Ngay chính bản thân bạn cũng không muốn người khác “soi” vào chuyện cũ của mình, huống chi là những ông chồng.
Cãi nhau giữa các cặp đôi yêu nhau như một kiểu trút bầu tâm sự. Tốt nhất, khi có vấn đề, bạn hãy thẳng thắn nói luôn với anh ấy. Sau khi đã giải quyết xong chuyện nào thì ngừng lại chuyện ấy, cho qua chứ đừng nhắc lại như thế việc tranh luận hay cãi vã sẽ diễn ra nhanh hơn và người nghe cũng dễ dàng hiểu vấn đề hơn.
Không sử dụng chiến tranh lạnh
Một người phụ nữ thông minh hiểu rằng đừng nên tạo ra khoảng trống sau khi cãi nhau. Điều đó có nghĩa cô ấy sẽ giải quyết vấn đề ngay trong ngày, không để qua đêm. Không bao giờ cô ấy lựa chọn im lặng, treo lơ lửng vấn đề mâu thuẫn tại đó để cả hai cùng khó chịu, bực bội.
Điều tối kỵ giữa hai vợ chồng là chiến tranh lạnh. Hai người gặp nhau như hai kẻ xa lạ, không nói một lời. Nhìn thì có vẻ yên bình nhưng thực tế cả hai đều vô cùng khó chịu.
Chiến tranh lạnh kéo dài sẽ hao mòn mối quan hệ và sự kiên nhẫn của họ. Chiến tranh lạnh trong hôn nhân là cuộc chiến không có thuốc súng, nếu chẳng bên nào chịu cúi đầu thì cả hai sẽ tổn hại sâu sắc.
Kêu gọi sự ủng hộ từ “đồng minh”
Trang Sohu lại chỉ ra một tuyệt chiêu cực đơn giản, khi bạn mâu thuẫn với chồng hãy kêu gọi sự ủng hộ từ "đồng minh".
Nếu sống cùng bố mẹ chồng, bạn hãy tìm cách để bố mẹ chồng bênh vực con dâu. Cách này, vừa cải thiện được mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu vốn nhiền vấn đề cần nói, vừa giúp bạn “có chỗ đứng” trong gia đình nhà chồng./.
Biết cách nhận lỗi trước
Khi hai bên cãi nhau, thông thường chồng bạn sẽ tức giận bỏ đi, còn bạn cho rằng đối phương bắt đầu "cùn", dám phớt lờ mình.
Bạn nên nhớ, sự né tránh ấy có thể là cách xoa dịu xung đột và hi vọng bạn bình tĩnh lại. Lúc đó, bạn hay đối phương nhận lỗi trước thì cũng nên chấp nhận. Nó là một cách thức tốt để giải quyết mâu thuẫn và cãi vã.
Nhượng bộ người bạn đời của mình không phải là một sự tổn thất mà là sự thu hoạch. Tuy nhiên, nếu thấy đối phương nhượng bộ trước bạn cũng đừng bao giờ nói: “Đã biết là sai mà bây giờ mới chịu thừa nhận”, ngược lại bạn càng nên khích lệ và tôn trọng người bạn đời của mình, có như thế nếu lần sau còn xảy ra tranh cãi thì đối phương sẽ càng sẵn lòng nhượng bộ.
Theo Thanh Mẫn (Giáo Dục Thời Đại)