Trong dịp Tết, ngày nào tôi cũng uống rượu. Thông thường, tôi uống rượu gạo, khoảng 300-400ml/ngày (tương đương 10-12 chén). Như vậy, sau bao lâu, tôi có thể thải hết cồn để lái xe. Tôi xin cảm ơn! (Toàn Thắng, Thái Bình)
Giáo sư Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức Chống độc Việt Nam tư vấn:
Việc uống rượu bia ngày Tết là thói quen của nhiều người Việt nhưng bạn có thể vi phạm Nghị định 100 nếu trực tiếp lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn.
Trung bình một ngày, bạn không nên uống quá 1 đơn vị cồn (10g cồn nguyên chất). Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai bia 330ml (5%), 1 cốc bia hơi 330ml, 1 ly rượu vang 100ml (13,5%), hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%). Mỗi ngày, bạn uống 300-400ml rượu gạo 25-30% là quá nhiều. Bạn sẽ mất ít nhất 13-16 giờ để đào thải cồn trong máu và hơi thở.
Khi uống rượu, cồn đi vào máu, đào thải qua gan sau đó bài tiết qua nước tiểu, mồ hôi, hơi thở. Tuy nhiên, thời gian đào thải tùy vào cơ địa mỗi người. Có nhiều người đào thải rất chậm nhất là trường hợp miễn dịch kém, mắc bệnh gan mật.
Trong dịp Tết, thêm một yếu tố khiến rượu, bia đào thải chậm là tần suất uống liên tục. Cách tốt nhất để đảm bảo an toàn sau khi uống rượu bia là bạn nên thuê xe hoặc gọi người thân đón về, không nên tự điều khiển phương tiện giao thông.
Để giảm tác động xấu của bia rượu tới cơ thể, người dân nên uống có chừng mực, ăn nhẹ trước khi uống, uống từ từ, lựa chọn rượu bia có nồng độ cồn thấp. Uống nhiều nước sẽ làm loãng chất cồn. Ngoài ra, bạn cũng nên uống thêm các loại nước chanh, cam, nước gừng mật ong, nước dừa, nước mía, trà hoặc ăn những thực phẩm có tác dụng tương tự như cải xanh, củ cải.
Để đảm bảo cơ thể có thể chuyển hóa và đào thải cồn trong bia rượu hiệu quả, bạn cũng cần duy trì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, rèn luyện khoa học.
Theo Phương Thúy (VietNamNet)