Câu chuyện của ông Chu ở Chiết Giang (Trung Quốc) sau khi đăng tải trên Toutiao nhận được nhiều đồng cảm.
Năm ấy, khi tôi đã 61 tuổi, vợ 55 tuổi thì thiên tai ập tới, quê tôi chìm trong biển nước mênh mông, bao nhiêu hoa màu đều không kịp thu hoạch bởi trận lũ. Khi nước rút, tôi phát hiện có một đứa trẻ tầm 5 tuổi bị lạc cha mẹ, may mắn được đội cứu hộ cứu sống. Không ai biết cha mẹ cậu bé là ai, dân làng đều bày tỏ thương xót. Có lẽ cha mẹ, người thân của cậu đã bị cơn lũ cuốn đi.
Mọi người định gửi cậu bé vào trại trẻ mồ côi. Thấy cậu bé đáng thương và có chút đồng cảm vì tôi cũng mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên tôi quyết định nhận nuôi cậu bé, đặt tên là Trần Trần. Khi đưa Trần Trần về nhà, vợ và 3 con gái của tôi từ bất ngờ, sửng sốt đến tức giận.
Vợ tôi khóc lóc ầm ĩ, cho rằng đó là con riêng tôi che giấu. Còn 3 con gái tức giận nhìn tôi, chỉ biết ấm ức khóc, các con cho rằng tôi không còn yêu thương. Còn người thân, mọi người xung quanh trách móc tôi "trọng nam khinh nữ", làm khổ vợ con. Rất nhiều những lời bàn tán, dị nghị khiến tôi mệt mỏi.
Tôi đã mất nhiều thời gian thuyết phục vợ con, cuối cùng họ mới chấp thuận. Một vấn đề nữa cũng khá đau đầu là áp lực kinh tế sẽ nhiều hơn. Vợ chồng tôi phải làm thêm nhiều việc để nuôi các con khôn lớn và cố gắng không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.
Cuộc sống vất vả nhưng gia đình luôn rộn ràng tiếng cười
Vợ tôi phải nghỉ công việc chính, nhận việc về làm ở nhà để chăm sóc cho 4 con. Ngày ngày, bà xã tôi phải chuẩn bị 3 bữa cơm cho 6 người ăn, đồng thời làm nhiều việc nhà như: Dọn dẹp, nấu nướng, tăng gia sản xuất, kèm các con học,... Tôi cũng thấu hiểu sự vất vả của vợ khi ngày nào cũng thấy vợ lọ mọ làm đến đêm khuya. Vợ còn phải phụ tôi làm kinh tế để có tiền trang trải cuộc sống. Có những ngày vợ ốm, nhưng vẫn cố gắng dậy làm việc, chẳng được nghỉ ngơi.
Tuy cuộc sống thời điểm đó có nhiều thách thức, nhưng vợ chồng tôi luôn động viên nhau cố gắng. Chúng tôi không bi quan mà có cái nhìn tích cực. Cả 2 vợ chồng tôi đều có học vấn không cao, chỉ mới học xong lớp 8. Nhưng chúng tôi nỗ lực để các con được học hành đàng hoàng.
Con gái lớn của tôi có lần thấy bố mẹ vất vả quá liền ngỏ ý không học lên Đại học mà đi làm phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Nhưng tôi đã động viên con: "Bố mẹ còn có thể chịu được vất vả. Con học giỏi chính là cách thiết thực nhất giúp đỡ bố mẹ. Chỉ kiến thức mới giúp thay đổi cuộc sống, giúp con hạnh phúc, tự tin hơn trong tương lai".
Về Trần Trần - chưa bao giờ chúng tôi phân biệt đối xử khác so với con ruột. Chúng tôi luôn coi con là con đẻ, cho con đi học như các chị. Trần Trần là cậu bé ít nói, ngoan ngoãn, sống nội tâm. Tôi vui mừng khi thấy con luôn có điểm số đứng đầu lớp. Con đỗ vào trường cấp 2 chuyên rồi cấp 3 chuyên, vị trí luôn đứng top đầu. Con cũng chăm chỉ giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà, yêu thương các chị.
Cuối cấp 3, Trần Trần trúng tuyển trước rất nhiều trường Đại học danh giá. Không chỉ vậy, con còn được 1 Đại học Mỹ trao tặng học bổng toàn phần. Cả gia đình tôi đều vỡ oà trong hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu cho con ra nước ngoài học tập, vợ chồng tôi hiểu sẽ mất khá nhiều khoản phí khác nữa như vé máy bay, phí sinh hoạt,...
Trần Trần dù rất thích sang Mỹ học, con cũng biết đây là cơ hội tốt nhưng thấy gia đình nghèo khó, con đã từ bỏ. Thấy con như vậy, vợ chồng tôi không đành lòng. Tôi động viên con hãy cứ bước đến những vùng đất mới, bố mẹ sẽ cố gắng lo chi phí. Cuối cùng con cũng đồng ý.
Về già vợ tôi được
May mắn sau khi ra nước ngoài, con được nhà trường tặng vé máy bay, chi phí sinh hoạt trong vài tháng đầu. Về sau, con tự đi làm thêm để duy trì cuộc sống. Thậm chí có nhiều tháng, con còn gửi về cho vợ chồng tôi một chút tiền. Tôi rơm rớm nước mắt, thương con sống nơi xứ người vất vả.
Đến tận khi Trần Trần sống cùng gia đình tôi nhiều năm, sẽ vẫn có những người xung quanh nói ác ý: "Chẳng hiểu sao lại nuôi đứa trẻ không phải là huyết thống", hay "Thằng bé sang Mỹ học rồi sẽ định cư ở đó, không quay về đâu", "Đừng tốn công tốn sức trông chờ thằng bé",...
Sau khi con tốt nghiệp Đại học, Trần Trần ở Mỹ làm việc 2 năm, con thường gửi tiền về phụ giúp bố mẹ. Khi thì con biếu tiền sửa nhà, mua xe, lúc thì mua thực phẩm chức năng. Khi 2 chị gái lấy chồng, Trần Trần còn đứng ra lo chi phí tổ chức, lo vàng cưới khiến gia đình tôi nở mày nở mặt.
Trần Trần còn đưa ra những định hướng cho các chị gái trong công việc bằng thái độ khiêm tốn, chân thành. Con tư vấn mọi điều trong khả năng, không chỉ hỗ trợ về tinh thần, vật chất mà còn cả định hướng.
Đợt qua, bà xã tôi bị đột quỵ, may mắn phát hiện sớm nên vào bệnh viện cấp cứu. Giờ sức khoẻ đã dần ổn định sau 3 tháng tích cực chữa chạy nhưng vẫn chưa thể đi lại, tự ăn uống, vệ sinh cá nhân. Ngay sau khi nghe tin, Trần Trần đã từ Mỹ trở về lo liệu. Con cũng dự định sẽ về nước làm việc, mọi công việc có thể làm từ xa, chỉ thi thoảng sang Mỹ công tác. Trần Trần bày tỏ muốn được sống gần gia đình, chăm sóc bố mẹ lúc đau yếu.
Nghe con bày tỏ, vợ chồng tôi rơi nước mắt. Ngày ấy dù tuổi đã cao, nhận nuôi con, tôi chưa bao giờ trông chờ có ngày con đền ơn đáp nghĩa. Tôi chỉ mong thằng bé lớn lên mạnh khoẻ, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn, hiểu chuyện.
Theo Ứng Hà Chi (Nguoiduatin.vn)