Mới đây, trên một group hơn 440k lượt follow, một vị phụ huynh đã chia sẻ lại câu chuyện thi vào lớp 10 của con mình. Chị cho biết dù điểm thi chưa chính thức được công bố, nhưng chị đã đoán được phần nào con mình không thể đỗ vào trường công lập vì "Toán làm sai, Văn lạc đề, tiếng Anh thì cũng chẳng khấm khá là bao".
Dự đoán được kết quả, con chỉ biết khóc rồi xin lỗi bố mẹ. Thấy vậy, người mẹ cũng chẳng trách mắng mà chỉ động viên con, khuyên con cố gắng rồi bố mẹ sẽ tìm cách đăng ký cho con học trường dân lập hoặc trường bổ túc để con có bằng cấp 3.
"Nhưng nếu con vẫn bỏ bê học hành như cấp 2 thì con xác định sẽ trượt đại học và sau này sẽ làm công việc tay chân vất vả như bố mẹ", người mẹ cảnh cáo.
Được biết, hoàn cảnh của gia đình này cũng không quá khá giả. Chồng của chị làm nghề bốc vác, ai thuê gì thì làm đó, đa số là các công việc nặng nhọc. Còn chị thì đỡ hơn, đi làm công ty 8 tiếng không phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng lương cũng chẳng khấm khá hơn.
"Mình cũng nói với con, người khổ là ai? Là chính bố mẹ đây con, vì giờ bố mẹ lại phải hớt hải đi tìm các trường dân lập, GDTX hay trường nghề cho con. Dẫu nhà nghèo, khó khăn vợ chồng mình vẫn cố gắng cho con đi học thêm nếm đầy đủ, nhưng trong giờ học con chỉ ngủ hoặc bỏ đi chơi điện tử. Nên kết quả thi như vậy, giờ đây bố mẹ lại gánh thêm khoản tiền học trường dân lập cho con sẽ càng nặng thêm. Người khổ nhất lúc này, có lẽ không phải là con, mà chính là bố mẹ", người mẹ tâm sự.
Sau cùng, người mẹ xin lời khuyên của netizen về "cách dạy con học tốt mà đỡ tốn kém, giúp vợ chồng 'vén khéo' khoản học tập của con".
Phụ huynh tâm sự
Sau khi bài đăng này được đăng tải, rất nhiều phụ huynh đã vào tâm sự, đưa ra lời khuyên cho người mẹ này bởi con cái không đỗ đạt cao, không học hành chăm chỉ người buồn nhất là bố mẹ. Về hai lựa chọn là học nghề và học trường tư thục, mỗi người sẽ có một quan điểm khác nhau, nhưng đa phần cho rằng quyết định nên đến từ chính gia đình và học sinh đấy.
- Nhiều thầy cô biết sức học của con nên định hướng từ đầu cho con đi học nghề phù hợp. Nhưng nhiều bố mẹ không hiểu chuyện đó, đổ lỗi cho thầy cô ép không cho con mình thi vào cấp 3 công lập rồi làm ầm lên. Học nghề là định hướng rất đúng, ra trường có nghề là kiếm sống tốt. Thậm chí sau này một số trường đại học cũng chỉ là trường đào tạo nghề được nâng cấp mà thôi.
- Sở chưa công bố điểm, nên vẫn chưa biết là con trúng hay trượt. Nhưng nếu đúng như những gì gia đình dự đoán, phụ huynh nên cân nhắc kỹ lưỡng nhé. Cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác mở ra. Mọi quyết định đều ngang bằng như nhau, không có cái nào hơn cái nào cả. Tốt nhất là gia đình nên chia sẻ thẳng thắn để hiểu rõ mong muốn của con.
- Mình nghĩ cho con học trường nghề tốt mà. Vào trường nghề, vừa học nghề vừa học văn hoá. Con mình học lực kém nên cũng chọn học như vậy và có lẽ đây là quyết định vô cùng đúng đắn của gia đình mình.
- Cha mẹ có thể động viên con ôn thi lại, học tạm trường nghề xong rồi vừa học vừa ôn, học để cho con đỡ tủi thân khi bạn bè ai cũng đi học cấp 3. Cha mẹ nên cho con định hướng ôn luyện để năm sau chắc kiến thức thi lại lần nữa.
- Từ nghĩ chia sẻ của bạn thì mình thấy khả năng cao là cháu nhà không có năng khiếu "học", không phải ai cũng có khả năng "học giỏi". Có thể định hướng cho bạn học nghề giống con mình, học không tốt lắm nên gia đình cũng khuyến khích học nghề. Học nghề cũng đâu xấu đâu, có khi sau này lại có tương lai hơn ấy. Tay nghề giỏi chắc chắn sẽ sống được ở bất kì môi trường nào.
Netizen góp ý về cách ứng xử của người mẹ
Ở một diễn biến khác, không ít người cũng góp ý về cách nói chuyện với con của người mẹ này. Dù không dùng lời lẽ nặng nề, nhưng cách nói chuyện của người mẹ phần nào sẽ khiến trẻ cảm thấy chạnh lòng, rồi thêm dằn vặt bản thân. Hơn nữa, đây là quyết định có ảnh hưởng đến tương lai của con, cha mẹ nên nói chuyện thẳng thắn thay vì nhắn tin qua mạng.
"Mình là giáo viên THPT đây, không phải cứ học cấp 3 mới có bằng đại học, nhiều em học trung tâm GDTX vẫn thi đỗ đại học, thậm chí là đỗ Đại học Luật Hà Nội, nên mẹ đừng lo lắng quá. Thêm nữa mình góp ý nhỏ, mẹ hoan hỉ bỏ qua nếu thấy không vừa tai: Đừng kể công với con rằng nuôi con tốn kém như thế nào, vất vả ra sao, đứa ngoan thì sẽ chịu thêm áp lực rất lớn (có thể rơi vào trầm cảm vì thấy mình thất bại, làm khổ bố mẹ, thấy sự tồn tại của mình là thừa thãi, chán sống), đứa không ngoan có thể phản ứng ngược: con đòi sinh ra ư?" , nickname H.H bày tỏ.
Phụ huynh H.T để lại bình luận: "Mình nghĩ cha mẹ nên nói chuyện với con một cách thẳng thắn, chứ không nên nhắn qua mạng như vậy. Xa mặt thì cách lòng, có thể trẻ chọn cách trốn tránh đối diện với gia đình, mẹ nên mở lòng hơn và cho con thấy mẹ luôn lắng nghe con một cách tích cực, không phán xét".
Còn người dùng P.T chia sẻ: "Ba mẹ nên nói chuyện với con 1 buổi nghiêm túc, cho con 2 hướng đi để con lựa chọn, từ đó đưa ra ưu khuyết điểm và trăn trở của ba mẹ đối với các lựa chọn. Người lựa chọn nên là con, chứ không phải ba mẹ, phụ huynh chỉ nên là người định hướng mà thôi.
Lựa chọn đầu tiên là cho con học trường tư lập. Khuyết điểm thì học phí cao, ba mẹ sẽ phải cố gắng hơn để trang trải cho con (cần nêu ra số tiền cụ thể, ba mẹ có bao nhiêu và chi tiêu cho việc học của con chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng chi tiêu của gia đình). Ba mẹ không than thở kể công, nhưng con cũng cần phải biết chứ không thể vô lo vô nghĩ được. Điều kiện con cần khi lựa chọn này là học nghiêm túc hơn, chăm học hơn, có kế hoạch giúp đỡ ba mẹ để ba mẹ kiếm thêm tài chính lo cho con, có kế hoạch sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì, học ngành gì nếu thi đại học, làm gì nếu trượt đại học.
Lựa chọn hai là học trường nghề. Học phí trường nghề sẽ nhẹ hơn, con sẽ đỡ áp lực học hành, vẫn đủ điều kiện lấy bằng cấp 3 và kèm thêm một nghề sau khi học xong. Phần lớn trăn trở của ba mẹ khi cho con học tập tại đây là sợ môi trường học không tốt, ảnh hưởng xấu đến tương lai của con... Nếu học hành tốt, sau khi tốt nghiệp con vẫn có thể thi đại học hoặc học xong phụ giúp ba mẹ kiếm thêm thu nhập.
Ba mẹ cần kiếm đủ các thông tin về trường (trường nào, học phí bao nhiêu, địa chỉ,…). Nói chuyện với con nhẹ nhàng, như chia sẻ của một người có kinh nghiệm, của một người nhà. Không nạt nộ con, cũng không áp đặt con, không hù doạ cũng như đề nặng áp lực lên con. Mời con quyết định, cho con thời gian suy nghĩ và đưa ra lời cam kết cho con. Khi con đủ 18 tuổi, con có thể tự do đi làm, hoặc cần đi học lên cao cần ba mẹ hỗ trợ thêm gì. Ba mẹ phải xác định người quyết định là con, ba mẹ chỉ hỗ trợ, nếu con vi phạm cam kết (không chăm học, không nghiêm túc trong quá trình học) ba mẹ có thể ngưng hỗ trợ. Quan trọng nhất, ba mẹ trò chuyện với con trên tinh thần tôn trọng, đưa ra lời khuyên và góc nhìn của ba mẹ, tập lắng nghe con và góc nhìn của con".
Theo Đông (Phụ Nữ Mới)