Cũng như nhiều năm trước, ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng (tức 19/2 âm lịch) năm nay, không ít gia đình buôn bán hoặc công ty tổ chức lễ cúng với nhiều lễ vật, phổ biến nhất là cá lóc, tôm càng, cua, trứng hay lợn quay, gà luộc…
Tùy mỗi địa phương, phong tục mà có mâm cúng khác nhau, trong đó mâm cúng tam sên là phổ biến nhất, với các món như tôm (tôm càng xanh hoặc tôm hùm), thịt heo quay, cá lóc, trứng luộc, cua và bánh bao hình thỏi vàng… Tùy từng mức giá mà mỗi mâm cúng sẽ có những món đồ nhiều ít khác nhau. Hoặc cũng có nơi chỉ dùng một con heo quay, kèm theo hoa quả hoặc những chiếc bánh kem màu vàng, hình thỏi vàng bắt mắt.
Sau khi cúng thần tài, mọi người thường thụ lộc cùng nhau, tuy nhiên theo các chuyên gia, việc sử dụng các lễ vật cúng cũng cần lưu ý để không ảnh hưởng đến sức khỏe. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia Công nghệ sinh học và thực phẩm) cho biết, đa số mọi người thường mua qua mạng hoặc đặt trước mâm cúng thần tài ở các cơ sở chế biến thực phẩm nên càng cần lưu ý về chất lượng và an toàn sản phẩm.
Các món đồ cúng như tôm, cua và thịt quay... đều khá đắt tiền nhưng chưa chắc đã an toàn để ăn nếu không biết rõ nguồn gốc thực phẩm và cách chế biến có đảm bảo hay không.
PGS Thịnh lấy ví dụ như tôm, cua nếu không được lựa chọn kỹ, chế biến từ hôm trước và để qua đêm, rồi trải qua quá trình cúng lễ khá dài thì rất dễ bị vi khuẩn tấn công, gây ngộ độc. Các loại bánh bao hình thỏi vàng, hay các loại bánh kem cũng có thể được sử dụng các chất tạo màu bắt mắt, dùng phẩm màu không rõ nguồn gốc, kết hợp với việc không được bảo quản tốt (bày ra ngoài để cúng trong thời gian dài), sẽ rất nguy hiểm với sức khỏe.
Từ những phân tích trên, PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, với mâm cỗ thần tài, dù là mâm tam sên hay các món riêng lẻ là lợn quay, gà luộc... thì sau khi cúng lễ nên sơ chế lại để đảm bảo an toàn thực phẩm. Chẳng hạn, tôm, cua có thể cho vào hấp lại để đảm bảo diệt được vi khuẩn; thịt quay, gà luộc có thể cho vào lò quay nóng để chín kỹ và an toàn hơn.
Dưới góc độ dinh dưỡng, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, nếu nhìn qua thì mâm cúng thường thiếu cân bằng về mặt dinh dưỡng vì rất ít rau xanh, chủ yếu là thực phẩm chứa nhiều đạm và chất béo, thậm chí nếu có thêm bánh ngọt thì lại chứa rất nhiều đường.
“Việc lễ cúng là tùy điều kiện mỗi gia đình, phong tục địa phương. Tuy nhiên, khi thụ lộc ngoài vấn đề an toàn thực phẩm, mọi người cần chuẩn bị thêm rau xanh hoặc quả chín để ăn cùng. Việc này giúp tăng cường chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn khi chúng ta ăn nhiều chất béo, chất đạm và đặc biệt là giúp cân bằng thực phẩm, cân bằng dinh dưỡng”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Theo Lê Phương (Phụ Nữ & Pháp Luật)