Lưu ý 'sống còn' khi tập thể dục mùa lạnh

20/12/2023 10:00:05

Tập thể dục bất kỳ mùa nào trong năm cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng vào mùa đông cần thận trọng để không ảnh hưởng tới xương khớp cũng như sức khỏe tổng thể.

Vào mùa đông, tập thể dục có thể giúp cải thiện sức khỏe xương khớp, tăng cường năng lượng và ngăn ngừa tăng cân do ít vận động hơn các mùa khác. Tuy nhiên, tập thể dục dưới sự khắc nghiệt của thời tiết như trời quá lạnh có thể gây hại tới xương khớp cũng như sức khỏe tổng thể.

Dưới đây là một số lưu ý khi tập thể dục mùa lạnh để không gây hại cho sức khỏe:

Lựa chọn trang phục phù hợp

Vào mùa đông bạn không nên chọn những bộ trang phục làm từ cotton, có khả năng giữ ẩm. Lý do là vì nếu chẳng may trời mưa đột ngột trong lúc tập, cơ thể sẽ bị ướt, những chất vải có tính thấm nước sẽ mau chóng áp vào da làm giảm thân nhiệt và khiến bạn cảm thấy ớn lạnh.

Thay vào đó, hãy chọn quần áo làm từ sợi tổng hợp như polyester, nylon và polypropylene có tính chất hút ẩm, chúng có thể làm khô nhanh hơn 50% so với loại vải từ cotton. Nếu chẳng may bị lạnh và ướt, hãy rút ngắn thời gian tập luyện để giảm nguy cơ bị hạ thân nhiệt.

Lưu ý 'sống còn' khi tập thể dục mùa lạnh
Ảnh minh họa: Internet

Giữ ấm cơ thể

Không chỉ ưu tiên loại vải chống thấm nước mà bạn cũng cần giữ ấm cho cơ thể bằng cách mặc nhiều lớp mỏng. Đầu tiên, hãy mặc một chiếc áo mỏng làm bằng vải tổng hợp để giúp hút mồ hôi ra khỏi da. Sau đó, tùy thuộc vào thời tiết, bạn có thể chọn chiếc áo khoác bên ngoài là áo gió hoặc áo khoác dày, không thấm nước. Nếu bên ngoài trời rất lạnh, hãy mặc một chiếc áo lót ở giữa rồi khoác thêm một chiếc áo có độ dày vừa phải để tăng thêm độ ấm.

Lưu ý rằng lớp áp bên ngoài càng có khả năng chống thấm nước tốt thì càng ít hơi ẩm từ bên trong thoát ra ngoài trong lúc thân nhiệt tăng, ngay cả khi bạn chảy mồ hôi lúc tập. Cường độ tập luyện thể dục của bạn sẽ ảnh hưởng đến số lớp áo bạn cần. Người chạy có xu hướng cần ít lớp hơn người đi bộ vì di chuyển nhanh hơn và tạo ra nhiều nhiệt cho cơ thể hơn.

Mang đồ bảo hộ

Bàn tay, bàn chân, tai và mũi là những bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nhiệt độ lạnh vì máu được chuyển đến trung tâm của cơ thể nên chúng sẽ nhận được ít máu để làm nóng hơn.

Để giữ cho tứ chi không bị lạnh cóng, hãy mang vớ dày, đội mũ hoặc đeo băng đô và đeo găng tay. Những vật dụng này cũng có thể dễ dàng cởi bỏ, nhét vào túi nếu bạn thấy nóng trong lúc tập. Tất cả những phụ kiện này nên làm bằng chất liệu len hoặc sợi tổng hợp, thay vì cotton để tránh giữ nước.

Khởi động trước khi tập

Thời tiết lạnh hơn đòi hỏi thời gian khởi động lâu hơn để giúp tăng lưu lượng máu và nhiệt độ trong cơ. Khi tập thể dục dưới trời lạnh, bạn có nguy cơ bị bong gân và căng cơ cao hơn. Bằng cách làm nóng cơ sẽ giúp xương khớp trở nên dẻo dai và ít bị kéo căng hơn, từ đó giúp giảm nguy cơ chấn thương.

Các bài tập khởi động sẽ tùy thuộc vào loại bài tập của ngày hôm đó. Nếu muốn chạy bộ, hãy thực hiện các động tác gập người và ngồi xổm, xoay cánh tay, cổ chân để kích hoạt các cơ cốt lõi.

Lưu ý 'sống còn' khi tập thể dục mùa lạnh - 1
Ảnh minh họa: Internet

Uống nước trong khi tập

Một số người có thể không cảm thấy khát nước khi tập luyện trong thời tiết lạnh như trời ấm hoặc trời nóng nhưng cơ thể vẫn đang mất chất lỏng do đổ mồ hôi. Tình trạng mất nước mang đến một số rủi ro, bao gồm đau đầu, giảm năng lượng và bạn cần bù lại lượng chất lỏng đó bằng cách uống nước.

Tuy nhiên, bất kể bạn uống bao nhiêu nước thì cơ thể chỉ có thể hấp thụ từ 88 đến 118ml mỗi lần nên đừng cố uống quá nhiều có thể dẫn đến một số tình trạng nguy hiểm như hạ natri máu, tình trạng cơ thể bị thừa nước, đẩy chất lỏng ra khỏi máu và vào các tế bào mô.

Không nên dậy quá sớm để tập luyện

Vào mùa Đông, buổi sáng nhiệt độ thường thấp hơn bình thường, sáng sớm còn có hiện tượng sương mù dày đặc. Thêm vào đó khi trời vừa sáng cây cối vẫn chưa quang hợp nên lượng khí carbon do cây thải ra vẫn còn rất nhiều trong không khí. Do thời tiết lạnh, trời sáng muộn hơn nên cây cối cũng quang hợp muộn hơn.

Thực tế việc tập thể dục vào sáng sớm mùa lạnh quá sớm sẽ gây hại cho sức khỏe. Chờ trời sáng hẳn để lượng oxy trong không khí nhiều hơn carbon sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Đặc biệt đối với những người bị bệnh về đường hô hấp.

Các chuyên gia cảnh báo, mùa đông không nên ra khỏi nhà lúc 4-5 giờ sáng, do lúc này trời rất lạnh, sương mù và khí carbon do cây thải ra còn nhiều trong không khí, ảnh hưởng đến việc trao đổi chất của cơ thể và có thể gây hại sức khỏe (nhất là người có tiền sử bệnh mãn tính như hen suyễn, cao huyết áp, bệnh tim mạch… càng cẩn thận vì dễ bị đột quỵ, đau tim, trúng gió méo miệng…).

Lưu ý 'sống còn' khi tập thể dục mùa lạnh - 2
Ảnh minh họa: Internet

Không tập thể dục khi ốm, sốt

Những người bị sốt từ 38 độ C không nên tập thể dục trong tiết trời lạnh.

Khi bạn bị sốt, nhiệt độ cơ thể của bạn tăng lên trên mức bình thường. Cơn sốt có thể do nhiều thứ gây ra, nhưng thường bởi nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus. Sốt có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như suy nhược, mất nước, đau cơ và chán ăn. Việc bạn tập thể dục khi đang sốt làm tăng nguy cơ mất nước và có thể sốt nặng hơn. Ngoài ra, sốt làm giảm sức mạnh cơ bắp và sức chịu đựng của bạn, làm tăng nguy cơ chấn thương khi tập luyện.

Khi bạn cảm thấy đã khỏi bệnh để tập thể dục nhưng cơ thể còn yếu, bạn có thể giảm cường độ hoặc thời gian tập luyện. Việc tập thể dục sau khi khỏi bệnh sẽ có lợi cho sức khỏe tổng thể của bạn, tuy nhiên bạn cần phải lắng nghe cơ thể và lời khuyên của bác sĩ trước khi quyết định tập luyện trở lại.

PN (SHTT)

Nổi bật