Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, các bác sĩ khoa Nhi đang điều trị cho một trường hợp trẻ sơ sinh non tháng nhiễm virus RSV phải thở máy xâm nhập, 2 trường hợp thở oxy, 2 trẻ thở CPAP và khoảng 15 bệnh nhi đang điều trị viêm phổi, viêm tiểu phế quản.
Tổng số bệnh nhi các bác sĩ cơ sở y tế này đã tiếp nhận và điều trị trong tháng 10 là 100 trường hợp.
Bác sĩ chuyên khoa I Ngô Thanh Huế - Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, cho biết virus là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ như viêm phổi, viêm tiểu phế quản… Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm.
Bệnh hay gặp ở trẻ dưới 24 tháng tuổi, trong đó trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Virus này dễ dàng lây truyền từ người sang người qua các dịch tiết đường hô hấp bị nhiễm virus như ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp như bắt tay, hôn trẻ.
Trẻ bị nhiễm virus RSV thường có những dấu hiệu khởi phát gồm nghẹt mũi, sổ mũi, ho nhẹ và sốt. Các triệu chứng này thường sẽ kéo dài trong khoảng 1-2 ngày và dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh. Ở giai đoạn toàn phát, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng gồm ho, thở khò khè và thở gấp.
Nhóm trẻ dễ chuyển nặng khi nhiễm RSV gồm trẻ sơ sinh; sinh non; bệnh tim bẩm sinh; bệnh phổi mãn tính và suy giảm miễn dịch; bệnh sơ nang; hội chứng Down, bại não; thời điểm sinh gần với mùa RSV.
Hiện tại, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh nhân nhiễm virus RSV. Do đó, cha mẹ cần có biện pháp thích hợp để phòng tránh cho trẻ.
Ngay từ khi mang thai, cần chăm sóc bà mẹ, để đảm bảo trẻ sinh ra đủ tháng, đủ cân và khỏe mạnh. Ngoài ra, giữ không gian sống và vui chơi của trẻ luôn sạch sẽ, thoáng mát; không có khói, bụi, khói thuốc lá, vệ sinh mũi họng thường xuyên. Người lớn có biểu hiện ho, cảm lạnh không tiếp xúc với trẻ, hạn chế ôm hôn. Che miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo ở khuỷu khi ho hoặc hắt hơi.
Theo Phương Thúy (VietNamNet)