Loại quả ngọt hơn đường mía 250 lần nhưng lại không làm tăng đường huyết, phòng ngừa cả ung thư

18/02/2024 18:56:58

Loại quả này được bán rất nhiều tại Việt Nam nhưng chưa nhiều người biết để dùng. Hãy cùng khám phá công dụng kiểm soát đường huyết, phòng ngừa ung thư của nó nhé!

Loại quả ngọt hơn đường mía 250 lần nhưng lại không làm tăng đường huyết, phòng ngừa cả ung thư
Quả la hán không làm tăng đường huyết (Ảnh minh họa)

Quả la hán là một loại quả được trồng rất nhiều ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trong y học cổ truyền, quả la hán được sử dụng trong nhiều bài thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh về hô hấp và kiểm soát đường huyết. Y học hiện đại đã chứng minh loại quả này còn có tác dụng phòng ngừa cả ung thư cũng như nhiều loại bệnh khác.

Quả la hán - Vị thuốc quý để kiểm soát đường huyết

Theo thông tin từ tờ Healthline, quả la hán đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc trong nhiều thế kỷ. Vào năm 2010, loại quả này được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận sử dụng làm chất tạo ngọt.

Độ ngọt của quả la hán cao hơn đường mía từ 100-250 lần. Thế nhưng, không giống các loại trái cây khác, vị ngọt của quả la hán không đến từ đường fructose hoặc glucose mà đến từ hợp chất tự nhiên có tên gọi là mogrosides. Hợp chất này không làm tăng đường huyết, đồng thời còn là một chất chống oxy hóa độc đáo. Do đó, quả la hán rất an toàn đối với người đang mắc bệnh tiểu đường muốn kiểm soát đường huyết hoặc với những người muốn hạn chế tiêu thụ đường.

Các nghiên cứu trên chuột mắc bệnh tiểu đường cho thấy chiết xuất quả la hán thậm chí có thể làm giảm lượng đường trong máu. Những con chuột được sử dụng chiết xuất này có mức độ căng thẳng oxy hóa và lượng đường trong máu thấp hơn nhưng lại có mức cholesterol “tốt” (HDL) cao hơn so với những con chuột khác.

Các tác dụng khác của quả la hán

Loại quả ngọt hơn đường mía 250 lần nhưng lại không làm tăng đường huyết, phòng ngừa cả ung thư - 1
Quả la hán tươi (Ảnh minh họa)

Hỗ trợ giảm cân

Tờ Healthline thông tin, quả la hán không chứa calo, carbohydrate hoặc chất béo. Vì vậy, loại quả này có thể là một lựa chọn tốt cho những người đang muốn kiểm soát cân nặng. Bạn có thể sử dụng chất làm ngọt từ quả la hán thay cho các chất làm ngọt khác mà không lo tăng lượng calo và carbohydrate nạp vào.

Theo một nghiên cứu đăng tải trên Journal of Agricultural and Food Chemistry vào năm 2011, quả la hán đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc hàng thế kỷ để làm các loại đồ uống nóng giúp giảm đau họng và tiêu đờm. Hợp chất mogrosides trong quả la hán được cho là có tính chất chống viêm và mang lại tác dụng này.

Hỗ trợ phòng ngừa ung thư

Hợp chất mogrosides có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Chính vì thế, mogrosides có thể ức chế các phân tử có hại và giúp ngăn ngừa tổn thương DNA.

Tờ Healthline trích dẫn nhiều nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm cho thấy chiết xuất từ quả la hán có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Một nghiên cứu cho thấy mogrosides ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư bạch cầu. Một nghiên cứu khác trên chuột cho thấy hợp chất này có tác dụng ức chế sự phát triển của ung thư da.

Các bài thuốc chữa bệnh từ quả la hán

Loại quả ngọt hơn đường mía 250 lần nhưng lại không làm tăng đường huyết, phòng ngừa cả ung thư - 2
Trà la hán không chỉ giúp kiểm soát đường huyết mà còn hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác (Ảnh minh họa)

Theo BSCKI. Lê Thiện Kim Hữu, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM (cơ sở 3), quả la hán có vị ngọt, tính mát, không độc, đi vào hai kinh phế và tỳ. Quả la hán có tác dụng nhuận phế, lợi hầu, giải khát, nhuận tràng.

Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ quả la hán:

Trị viêm họng: Lấy quả la hán thái nhỏ rồi hãm với nước sôi. Có thể uống nước này thay cho nước uống hàng ngày giúp giảm đau họng.

Trị khàn tiếng: Lấy một quả la hán thái nhỏ từng miếng rồi sắc lấy nước uống 2-3 lần/ngày hoặc uống dần mỗi lần một ít.

Trị táo bón: Lấy quả la hán sắc nước rồi pha thêm chút mật ong uống trong ngày.

Hỗ trợ trị bệnh lao: Hầm 60g quả la hán với 100g thịt lợn nạc, ăn trong bữa ăn hàng ngày giúp bổ phế, hỗ trợ điều trị bệnh lao.

Theo Lam Chi (Đời sống Pháp luật)