Học sinh tiểu học viết đôi lời gửi bố, cô giáo chủ nhiệm đọc mà rơm rớm nước mắt, bố vô cùng xấu hổ

19/08/2023 08:17:26

Cậu bé đã trút hết tâm sự về ông bố qua bài tập làm văn trên lớp khiến cô giáo cũng xúc động.

Gia đình là môi trường đầu tiên mà trẻ tiếp xúc còn cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái. Nếu lớn lên trong bầu không khí yêu thương, đứa trẻ cũng sẽ trở nên tích cực, lạc quan yêu đời. Ngược lại, khi sống trong một gia đình có cha mẹ thờ ơ thiếu quan tâm, trẻ sẽ vẫy vùng trong trạng thái bất an và có những cảm xúc tiêu cực rối rắm. Ảnh hưởng này để lại hậu quả ngay cả khi trẻ trưởng thành.

Nhiều bố mẹ thường hay nhầm lẫn tình yêu của mình cho con cái chính là "Tôi sẽ mua tất cả mọi thứ mà con thích". Nhưng điều này chỉ thể hiện tình cảm từ một phía, còn trẻ coi đó như một sự vòi vĩnh, chúng sẽ không cảm thấy tình yêu.

Mới đây, bài văn của một học sinh tiểu học của Trung Quốc về đề tài gia đình đã khiến nhiều phụ huynh giật mình. Bài văn có tiêu đề: "Bố ơi con muốn nói với bố". Theo người đăng tải, cô giáo chủ nhiệm đọc xong đã rơm rớm nước mắt.

Học sinh tiểu học viết đôi lời gửi bố, cô giáo chủ nhiệm đọc mà rơm rớm nước mắt, bố vô cùng xấu hổ
Bài văn của em học sinh.

Cậu bé viết: "Bố à, con không thể chịu đựng được nữa mà phải nói với bố rằng: Tối nay con muốn dùng bài văn này để nói cho bố biết suy nghĩ của con. Khi con nhờ bố kiểm tra bài tập, bố chỉ liếc qua rồi nói 'được rồi, đi chơi đi' hoặc 'ném' cho con một chiếc điện thoại. Bố không thể sống thiếu điện thoại di động được. Sáng trưa chiều tối ngày nào cũng xem, dường như điện thoại là của con của bố vậy".

Bài viết thu hút rất nhiều bình luận của giới trẻ sau khi đăng tải trên mạng xã hội. Một người bình luận: "Đánh đổi cả cuộc đời con cái chỉ vì một chiếc điện thoại? Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đấy. Người cha đó ơi hãy đặt điện thoại xuống đi. Anh nên dạy con học được cách quý trọng cuộc sống của mình".

Tính cách và tài năng của đứa trẻ suy cho cùng là chịu ảnh hưởng của gia đình. Phải biết rằng, mỗi một đứa trẻ có phẩm chất đạo đức, học hành, công việc thành công, đằng sau đều không thể thiếu sự đồng hành và ra sức nâng đỡ của cha mẹ.

Để tránh tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ, các nhà tâm lý khuyên cha mẹ không mang việc của cơ quan về nhà. Cha mẹ nên bỏ điện thoại xuống, dành thời gian để lắng nghe trẻ tâm sự về những buồn vui, động viên, giúp đỡ trẻ tìm giải pháp cho các vấn đề...

Theo Hiểu Đan (Phụ Nữ Thủ Đô)