Theo thông tin từ Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM), tiểu tiện rất quan trọng với quá trình bài tiết của cơ thể. Thận lọc lượng nước dư thừa và chất thải ra khỏi máu thông qua nước tiểu. Nước tiểu sau đó được chứa ở bàng quang.
Thông thường, nước tiểu trong bàng quang đạt 250 - 800 ml sẽ gây kích thích và muốn đi tiểu. Nhịn tiểu là điều bình thường, thỉnh thoảng nhịn tiểu không ảnh hưởng đến sức khỏe. Các bác sĩ cho rằng thói quen này có ở rất nhiều người, đặc biệt là ở giới văn phòng.
Nếu nhịn tiểu diễn ra thường xuyên và trong thời gian dài, bàng quang có thể bị kéo căng để trữ được nhiều nước tiểu hơn, thậm chí trữ nước gấp đôi người bình thường. Khi đó, các cơ vòng bên ngoài cũng bị kéo căng. Đây là những cơ quan trọng giúp bàng quang giữ nước tiểu để tránh rò rỉ ra ngoài.
Khi tình trạng trên kéo dài trong nhiều năm, cơ thể có thể không còn khả năng kiểm soát được các cơ vòng bên ngoài bàng quang. Khi đó, nước tiểu thường xuyên bị rò rỉ.
Lúc này, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều hậu quả nghiêm trọng có thể xảy đến với sức khỏe, bao gồm nguy cơ nhiễm khuẩn niệu đạo, bàng quang hay thận. Đồng thời, cơ bàng quang suy yếu, ức chế cơ thể truyền tín hiệu đến não để giải quyết nhu cầu. Về lâu dài, hành động này có thể dẫn tới tình trạng bí tiểu khi về già.
Ngoài ra, việc giữ một lượng lớn nước tiểu trong bàng quang quá lâu cũng làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm vi khuẩn, gây ra hàng loạt chứng nhiễm trùng đường tiết niệu. Đồng thời, người bệnh đối mặt với nguy cơ sỏi thận và suy thận sau một thời gian.
Một hậu quả khác là bí tiểu. Người bệnh muốn "giải quyết" nhưng không được. Thậm chí, trong tình huống nghiêm trọng, nước tiểu ứ đọng trong bàng quang quá nhiều có thể chảy ngược lại vào thận, dẫn đến suy thận và tử vong.
Vì thế, để giữ cho chức năng thận khỏe mạnh, bài tiết tốt, bác sĩ khuyên mỗi người cần uống đủ nước, không nên nhịn tiểu. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo chức năng thận có vấn đề, người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám và điều trị sớm.
Theo Linh Giao (VietNamNet)