“Hàng ngày, bạn có luôn tự hỏi bản thân còn bao nhiêu tiền tiết kiệm trong túi?”, cô nàng 33 tuổi (Trung Quốc) giấu tên bắt đầu với câu chuyện trả nợ của mình.
Những năm gần đây, cô có mức thu nhập không quá cao, chỉ 6.000 NDT/tháng (~20 triệu đồng). Ban đầu cô không có ý thức quản lý tài chính vì nghĩ rằng số tiền kiếm ra không quá nhiều, đồng thời cô còn mang gánh nặng phải chu cấp tiền học cho em trai. Tuy nhiên, sau khi mắc món nợ khá lớn vào năm 2021, mọi suy nghĩ của cô đã thay đổi.
Để trả được nợ, cô đã học cách tiết kiệm từng đồng xu một, luôn cố gắng về nhà sau 6h tối để tránh lời rủ rê ăn uống từ đồng nghiệp. Sau hơn một năm giảm chi tiêu và chất lượng cuộc sống cũng bị ảnh hưởng nhưng cô cho rằng món nợ này đã dạy cho cô biết giá trị của tiết kiệm.
“Bất kể bạn nghĩ mình có bao nhiêu tiền, hãy đặt tiết kiệm lên hàng đầu. Vì với những người có thu nhập chưa cao, tiết kiệm là lựa chọn gần như là duy nhất để làm chủ tài chính. Tiết kiệm không có nghĩa là không tiêu tiền mà hãy coi chúng là ‘lời cảnh báo’ để không mua sắm linh tinh".
Dưới đây là 3 thói quen tiết kiệm mà cô gái thấy hữu ích với bản thân sau 1 năm nỗ lực trả nợ.
1. Không ghé thăm các nền tảng mua sắm sau 8h tối
Giống như nhiều người, cô gái từng có niềm đam mê mua sắm. Đặc biệt cứ vào khung giờ tối, cô thích lướt các sàn thương mại điện tử để mua mỹ phẩm, quần áo hay hàng tiêu dùng.
Giờ đây khi đã thoát khỏi cảnh nợ nần, cô hoàn toàn từ bỏ thói quen này. Trong suốt 3 năm năm qua, cô không mua quần áo mới, sản phẩm chăm sóc da, mỹ phẩm, thức ăn cho chó mèo… linh tinh trên các sàn thương mại điện tử nữa. Nếu có nhu cầu mua sắm đồ đạc, cô sẽ chọn mua hàng vào buổi sáng hay buổi trưa. Bởi lẽ đây là thời điểm mà cô tỉnh táo nhất và không dễ bị rơi vào “bẫy tiêu dùng".
2. Mua nhu yếu phẩm vào mùa giảm giá
Với những nhu yếu phẩm hàng ngày như bàn chải, kem đánh răng, sữa tắm, dầu sả, dao… cô sẽ mua chúng vào đợt giảm giá để tiết kiệm chi phí. Với những món đồ này, cô chỉ mua mới khi đồ dùng trong nhà gần hết. Cô loại bỏ hoàn toàn thói quen mua đồ tích trữ để tránh tiêu tiền quá hoang phí.
3. Tự nấu ăn ở nhà
Suốt một thời gian dài, cô gái luôn về nhà sau 6h tối để tránh các lời rủ rê mua sắm hay ăn uống cùng bạn bè. Cô cũng đứng ngoài các cuộc bàn tán mua hàng xa xỉ hay order chung đồ cùng đồng nghiệp. Bên cạnh đó, cô cho rằng thói quen hữu ích nhất mà cô đã học được sau thời gian nợ nần là tự nấu nướng tại nhà.
Cô gái chia sẻ: “Bên cạnh cơm ở canteen có giá khá rẻ, tôi còn thường nấu nướng tại nhà vào cuối tuần, cả ngày chỉ tốn 30 NDT (~102 ngàn đồng). Trước năm 2022, tôi không bao giờ tiết kiệm như vậy. Tôi luôn mua đồ ăn sẵn ở bên ngoài để thay đổi khẩu vị, có tháng tốn đến 1/3 tiền lương chỉ dành cho ăn uống.
Giờ đây, tôi đã học được tiết kiệm bằng cách tự làm đồ ăn mang đi, vừa ngon mà còn sạch sẽ, đầy đủ chất dinh dưỡng. Cũng vì thế, nếu có thời gian nhưng không muốn lãng phí tiền bạc, bạn hãy cố gắng nấu ăn tại nhà. Đảm bảo bạn vừa cải thiện được khẩu vị mà còn rèn luyện kỹ năng nấu nướng”.
Khi đã trả nợ thành công, cô gái cho rằng tiết kiệm tiền là phương pháp quản lý tài chính hiệu quả nhất với người có thu nhập không quá dư dả như cô. Cô gái tâm sự: “Hãy tích hợp thói quen tiết kiệm vào cuộc sống hàng ngày và hạn chế tiêu xài lãng phí. Đừng coi thường các khoản chi tiêu nhỏ và hãy nhớ rằng bạn chỉ nên dùng tiền vào những thứ xứng đáng".
Theo Vân Anh (Phụ Nữ Mới)