Theo đó, vụ việc phụ huynh học sinh bức xúc vì giáo viên giao bài tập bắt con trai mới học cấp 1 phải đếm 10.000 hạt gạo sau đó đem nộp đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng Trung Quốc.
Hiện nay, bên cạnh những bài tập liên quan tới kiến thức trong sách giáo khoa, có không ít giáo viên tại Trung Quốc đã đưa thêm rất nhiều bài tập dưới hình thức khác thay cho việc làm bài tập vào vở rồi nộp. Minh chứng là các bài tập dạng thực hành như “rửa chân” cho bố mẹ hay “giúp bố mẹ nấu cơm”, các con sau khi bắt tay vào làm sẽ tới lớp chia sẻ lại quá trình thực hiện.
Những bài tập này giúp các con học cách biết ơn và hiểu được sự vất vả của bố mẹ, qua đó biết cách bày tỏ tình cảm của mình tới người thân.
Bên cạnh đó, bài tập “đếm hạt” cũng đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm, bởi việc này có thể giúp các con rèn luyện khả năng kiên nhẫn, tỉ mỉ, mài giũa tính cách các con rất tốt.
Tuy nhiên, một gia đình tới từ Liêu Ninh, Trung Quốc mới đây đã đăng bài chất vấn giáo viên nghiệp vụ sư phạm kém, giao bài tập vô lý khi yêu cầu học sinh phải nộp 10.000 hạt gạo.
Được biết, sau khi con trai về nhà và nói bài tập cô giáo giao, cả gia đình em này đã ngồi miệt mài đếm tới đêm nhưng mãi vẫn không nhặt đủ 10.000 hạt gạo. Phải tới 2 giờ sáng ngày hôm sau, cả nhà mới đếm đủ số hạt gạo để con trai mang đi nộp.
Vì bài tập có phần éo le, lại tốn công mất sức, ảnh hưởng tới thời gian nghỉ ngơi của cả gia đình. Phụ huynh cậu bé vô cùng bức xúc, ngay lập tức tới kiến nghị ban giám hiệu về cách thức giảng dạy của giáo viên. Thậm chí còn bày tỏ ý hoài nghi năng lực sư phạm của cô giáo.
Phụ huynh ngỡ ngàng sau khi nghe lời giải thích từ giáo viên
Đứng trước lời chất vấn của phụ huynh, nữ giáo viên điềm tĩnh giải thích rằng: “Bài tập này thực chất không phải mục đích để yêu cầu học sinh phải đếm đủ 10.000 hạt gạo mà chủ yếu muốn các con và phụ huynh tìm một cách khác đơn giản hơn để hoàn thành bài tập này. Qua đó tăng sự gắn kết giữa cha mẹ và các con, đồng thời tăng khả năng tư duy, sự sáng tạo khi xử lý các tình huống khó cho các con”.
Giáo viên cho biết thêm, phụ huynh có thể giúp các em hoàn thành bài tập này bằng cách đếm 200 hạt gạo sau đó đem đi cân xem ra bao nhiêu. Tiếp đó chỉ cần lấy số gạo bằng số cân vừa rồi, lặp lại việc cân gạo này 50 lần là đã thu được khoảng 10.000 hạt gạo một cách nhanh chóng.
Bài tập này chủ yếu để kiểm tra sự linh hoạt trong tư duy nhằm nâng cao khả năng phân tích logic của các em học sinh.
Cách làm này vừa giúp các em giảm tải áp lực về việc phải học ngày học đêm, vừa giúp các em hoàn thiện thêm một số kỹ năng quan trọng. Phía phụ huynh sau khi nghe được lời giải thích cảm thấy vô cùng ngỡ ngàng, đồng thời bày tỏ phía gia đình chưa được thông báo về cách thức học kiểu mới này nên có phần bỡ ngỡ không hiểu được yêu cầu của giáo viên.
Sự việc sau khi đăng tải lên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều bình luận trái chiều nhau. Bên cạnh những người ủng hộ phương pháp giáo dục kiểu mới này giúp các con học hỏi hoàn thiện được nhiều kỹ năng, thay vì chỉ chăm chăm vào đọc sách vở lý thuyết, thì cũng có không ít người cho rằng giao bài tập kiểu này là giao bài tập cho cả bố mẹ chứ một đứa trẻ không thể tự hoàn thành được việc này. Nếu đã như vậy thì giáo viên cần chủ động thông báo trước cho phụ huynh, không nên để phụ huynh học sinh mù mờ trong cách tiếp cận giáo dục như vậy. Do đó, việc gia đình học sinh nói nghiệp vụ sư phạm của giáo viên chưa ổn cũng không sai.
Theo Tiểu Lam (Phụ Nữ Mới)