Muối mặt vì không được trao vàng cưới
Học giỏi, xinh đẹp lại là con một trong gia đình, chị Nguyễn Thị Loan (Nam Sách, Hải Dương) được bố mẹ hi vọng lấy chồng giàu. Thế nên ngày con gái nói lấy anh chàng cùng quê, gia cảnh bình thường, bố mẹ chị Loan không mấy vui. Nhưng ý con gái đã quyết, người lớn cũng không còn cách nào ngoài gật đầu đồng ý.
Gia cảnh chị Loan không giàu có, chỉ ở mức trung bình. Nhưng muốn đáp lại mong mỏi của bố mẹ, chị nói với chồng phải tổ chức đám cưới long trọng, theo nghi thức thành phố. Ông bà thông gia được mời lên trên sân khấu, phát biểu, uống rượu mừng rồi trao quà cưới cho các con. Gật đầu đồng ý, chồng chị sẽ nói với bố mẹ về chuyện này.
Vì muốn bố mẹ được mát mặt, chị Loan mang tiền tiết kiệm của mình đi mua một cây vàng đưa cho mẹ đẻ trước. Chị dặn mẹ đến hôm cưới phải lên sân khấu trao vàng cho mình, quan khách nhìn vào cũng ngưỡng mộ.
Ngày cưới long trọng được tổ chức ở nhà văn hóa xã, có sân khấu hoành tráng, nhiều người đến chung vui. Nhưng đến giây phút MC đọc tên phụ mẫu lên trao quà cưới, chỉ có nhà gái xuất hiện. Nhà trai không như hẹn. Mẹ chồng chỉ lên ôm con dâu, phát biểu vài lời: “Hôm nay, gia đình chúng tôi rất vui khi được đón cháu Loan về làm dâu. Cảm ơn các quan khách đã đến dự lễ cưới của hai cháu, chung vui cùng gia đình tôi. Từ nay chúng ta là người một nhà”.
Sự thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt của cô dâu. Chị Loan liếc mắt nhìn về phía chú rể, vẻ mặt anh cũng sượng sùng. Trước đó, anh từng nói với mẹ về việc trao vàng hôm cưới cho con dâu nhưng không hiểu sao đến ngày cưới, mẹ anh lại “lật kèo”. Đám cưới đang vui bỗng vì chuyện trao vàng mà trầm đi. Cô dâu, chú rể khuôn mặt dù cười cũng không còn được tự nhiên như trước.
Tối đó, chị Loan và chồng cãi nhau to vì chuyện “tại sao nhà em trao một cây vàng mà bố mẹ anh không có lấy một chỉ. Anh định biến em thành trò cười à?”. Chồng chị Loan động viên vợ bớt giận và tiết lộ đã hỏi nhỏ mẹ.
Câu trả lời anh nhận được chỉ là: “Có thì trao, không có thì thôi. Thời buổi vàng lên giá ầm ầm, tiền đâu ra mà mua? Sao chúng mày không đưa tiền cho mẹ mua rồi trao cho chúng mày oai? Nhà này lấy đâu ra tiền với lại cũng không có tục lệ phải bắt buộc trao vàng cho con dâu đâu nhé”.
Câu trả lời của chồng khiến chị Loan không muốn nói tiếp. Vậy là đám cưới hoành tráng như kì vọng của chị đã không được như ý. Cũng vì chuyện vàng cưới mà từ ngày về làm dâu, mẹ chồng con dâu chưa được một nụ cười thiện cảm.
Cãi nhau ngay đêm tân hôn
Chị Đào Thị Thanh (Hà Đông, Hà Nội) và mẹ chồng cãi nhau ngay trong buổi tối tân hôn cũng chỉ vì chuyện vàng cưới.
Bởi lẽ tối đó chị và chồng định đi ngủ sớm, sáng hôm sau mới tính chuyện đếm phong bì thì mẹ chồng đứng ngoài đập cửa. 23h, mẹ chồng còn bắt con dâu và con trai mang vàng sang trả mình. Con dâu ngớ người không hiểu chuyện gì: “Mẹ ơi, vàng mẹ trao cho con rồi sao lại bắt con trả lại ạ? Con không hiểu lắm. Còn tiền mừng, ngày mai bọn con đếm rồi tính sau”.
Mẹ chồng lập tức dằn mặt nàng dâu mới: “Hôm nay mẹ làm theo lời chồng con, mua mấy chỉ vàng trao cho con để hai đứa đẹp mặt với bạn bè, quan khách. Số vàng ấy mẹ phải vay tiền khắp nơi mua đó nên hôm nay các con phải đưa lại cho mẹ, mai mẹ mang ra hiệu vàng bán luôn cho được giá. Vàng đang lên giá, bán nhanh không lại hạ”.
Lúc này chị Thanh mới bật ngửa thì ra đó không phải quà của mẹ chồng mà chỉ là một màn trao quà giả lừa nhà gái, lừa khách đến dự. Chị cãi nhau với mẹ chồng: “Vàng mẹ trao cho con thì là của bọn con. Ở quê con, việc nhà chồng trao vàng ngày cưới là chuyện đương nhiên. Bố mẹ con cũng trao cho anh Long 3 chỉ còn gì ạ? Sao lại có chuyện đòi lại?".
Đêm tân hôn đang vui vẻ bỗng biến thành căng thẳng chỉ vì mấy chỉ vàng cưới. Hai vợ chồng chị Thanh cũng hục hặc nhau suốt đêm, không ai ngủ nổi.
Không chỉ chị Loan, chị Thanh, nhiều nàng dâu mới rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười vì câu chuyện cưới đúng dịp vàng lên giá.
22 tuổi đi lấy chồng, Thanh Hải (Hải Phòng) vẫn không thể quên được những giây phút trong ngày trọng đại đời mình nhiều năm trước. Thời điểm đó, vàng cũng lên giá chóng mặt. Có được ít tiền mua vàng trao trong ngày cưới thì phải là gia đình giàu có hoặc thích hào nhoáng.
Bởi ở quê chị Hải, việc bố mẹ chồng lên sân khấu trao vàng cho con dâu không nhiều. Nhất là thời đó, việc trao vàng phô trương đôi khi lại trở thành đề tài bàn tán cho xóm giềng. Vì vậy, chị chỉ bảo bố mẹ chuẩn bị đúng một chiếc nhẫn để trao vào tay con rể và một chiếc dây chuyền cho con gái.
Lúc lên sân khấu, mẹ chồng, dì của chồng lần lượt lên tặng vàng khiến Thanh Hải vô cùng ngạc nhiên. Với chị, việc đó không thực sự cần thiết và chị cũng không đòi hỏi gì. Quan khách vỗ tay tán thưởng nhưng cũng không ít lời xì xào, bàn tán. Nhìn ánh mắt của mọi người, có lẽ ai cũng nghĩ Thanh Hải số sướng, lấy được chồng giàu.
Nhưng tối hôm về nhà chồng, Hải phát hiện số vàng mình được nhà chồng trao toàn bộ là vàng giả. Mẹ chồng và chồng cũng thú nhận và xin lỗi vì không nói trước chuyện này với Hải. Bởi ở quê chồng chị, việc trao vàng cưới cho con dâu là điều phải làm. Nhưng vì hoàn cảnh, họ không mua nổi vàng thật, đành mượn vàng giả trao để nhà gái đỡ bẽ mặt.
Nếu biết trước chuyện đó, Thanh Hải đã dặn chồng không cần câu nệ. Đâu ai ngờ thủ tục ngày cưới khiến gia đình nhà trai khó xử, còn Thanh Hải phải nhận một đống vàng giả. Nhiều năm trôi qua, Hải vẫn nhớ về câu chuyện đó mỗi lần đi ăn cưới.
Chị cho rằng, con người quan trọng nhất là ở cái tâm. Những thủ tục rườm rà không nhất thiết phải làm. Nếu không làm được thì nhà trai cũng không cần cố. Và điều quan trọng là đôi bên gia đình phải có sự thống nhất để tránh biến đám cưới trở thành ngày mất vui, ảnh hưởng tới cuộc sống hôn nhân sau này của con trẻ.
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo Tú Linh (VietNamNet)