Gia đình kỳ lạ ở Đồng Tháp: Hai người vợ cùng sống với một anh chồng
“Đói lòng ăn nắm lá sung
Chồng một thì lấy chồng chung thì đừng”
Từ xa xưa, khi chế độ đa thê được chấp nhận ở xã hội, người ta đã có ca dao khuyên phụ nữ chớ dại mà chia sẻ tình cảm hôn nhân với người khác, để tránh cảnh “kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”.
Vậy mà năm 2024, vẫn có một gia đình kỳ lạ nơi một người đàn ông cùng sống chung công khai với hai người vợ, mà cả hai đều ưng thuận. Gia đình này đang sống tại Đồng Tháp.
Anh Văn (55 tuổi), người chồng của hai phụ nữ tỏ ra tự hào, chia sẻ rằng họ sống hạnh phúc bên nhau, “không có sự ganh đua, không có sự so sánh, chỉ có yêu thương và thông cảm.
Cả hai người vợ của tôi đều hiểu chuyện. Họ xưng hô với nhau là chị - em, vợ nhỏ còn chăm sóc vợ lớn mỗi khi đau bệnh, người ngoài không biết còn tưởng là chị em ruột kìa!”.
Gọi là vợ lớn và vợ nhỏ, nhưng thực ra đó là vợ mới và vợ cũ của anh Văn. Trước kia, anh Văn và người vợ đầu tên Mến (57 tuổi) chung sống nhiều năm. Họ có chung với nhau hai người con gái.
Những mâu thuẫn vụn vặt trong gia đình khiến họ hục hặc nhau, tình cảm sa sút. Hôn nhân dần chỉ còn trên danh nghĩa, ở cạnh nhau cho con có đủ cha mẹ, chứ yêu thương đã nhạt dần.
“Cách đây 6 năm, bả (chị Mến- PV) đuổi tôi đi, kêu là không muốn làm vợ chồng với tôi nữa. Tôi năn nỉ hoài bả không chịu nên tụi tôi ly dị nhau.
Một thời gian thì tôi gặp Diễm (49 tuổi). Tôi sống một mình, Diễm cũng vậy, nên hai người về chung sống với nhau, cùng đi làm mướn kiếm tiền.
Tới khi Diễm mang bầu, có con, tôi mừng gần chết, cứ nghĩ mình hết xí quách rồi chớ! Ai ngờ lại có thêm con trai. Hai vợ chồng đi làm mướn cũng đủ tiền nuôi con”, anh Văn kể lại.
Khi con trai khoảng hơn 1 tuổi, anh Văn nghe tin người con rể thứ hai bị tai nạn qua đời, con gái đưa cháu ngoại về cho vợ cũ chăm sóc rồi bỏ đi đâu mất. Chị Mến nuôi cháu một thời gian rồi bỗng dưng phát hiện bị bệnh thấp khớp, đau bao tử, sức khỏe sa sút. Biết tin, anh không thể ngồi yên.
“Tôi nghe người ta nói bả (chị Mến - PV) mắc bệnh vẫn phải đi làm mướn mua sữa cho cháu ngoại. Tôi thương quá, quay về nói bả để tôi phụ chăm cháu, chăm bả.
Tôi cũng nói với Diễm là giờ giữa tôi và bả không còn yêu thương gì hết, cũng không còn là vợ chồng. Nhưng cạn tình còn nghĩa, mấy chục năm ăn ở, có với nhau hai mặt con, không biết thì không sao, chứ biết rồi mà ngó lơ đâu có được.
Giờ bả bệnh, lại nuôi cháu ngoại nên tôi muốn chăm sóc nốt quãng đời còn lại. Diễm hiểu chuyện nên đồng ý để tôi đón hai bà cháu về nhà”, anh Văn nhớ lại.
Thế là 3- 4 năm nay, anh Văn sống chung với hai người vợ: vợ cũ đã chia tay và vợ mới. Gọi là chung sống, nhưng anh và chị Diễm coi chị Mến như một người chị, một người thân trong gia đình.
“Hai bà thân nhau lắm, nếu không nói ra chắc người ta không biết. Diễm biết là bà Mến bả bệnh, già yếu, tôi chỉ thương thôi chứ không còn tình cảm trai gái, nên không có ghen. Hai đứa nhỏ (con trai và cháu ngoại anh Văn - PV) sàn sàn tuổi nên cũng thân thiết nhau”.
Cả nhà 5 người sống trên xe lam, chài tôm cá sống qua ngày
Hồi đó, anh Văn còn có cái nhà nhỏ nhỏ, anh và chị Diễm đi làm nuôi gia đình 5 người, chị Mến ở nhà giữ con, giữ cháu. Nhưng rồi con gái lớn của anh Văn mắc bệnh nặng, buộc gia đình phải bán nhà để trang trải chi phí điều trị.
Tiền làm mướn không đủ trang trải, anh đưa hai người vợ, con trai cùng cháu ngoại xuống ở tạm trên ghe, kiếm sống bằng nghề chài lưới. Rồi 1 năm nay họ lại chuyển lên xe lam. Anh Văn độ lại xe, cơi nới cho rộng rãi, phủ bạt cho kín đáo rồi cả nhà cứ ăn ngủ trên chiếc xe này, coi như ngôi nhà di động.
“Nấu cơm thì vô quán cà phê xin nước, trên xe có bếp gas mini. Hoặc bữa nào có người mướn làm gì thì tôi xin chủ nhà cho cắm điện nhờ nồi cơm. Có tiền thì mua thịt, trứng, bữa nào không đi làm được thì tôi xuống mương, xuống suối chài lưới được cá tôm, đem lên kho mặn ăn. Chuyện tắm rửa thì nhờ chỗ cây xăng, người ta cũng thương hoàn cảnh nên không khắt khe gì”, anh Văn kể.
Hai đứa nhỏ không được đi học mẫu giáo, vì gia đình không có chỗ ở ổn định, cũng không có đủ tiền. Tiền hai vợ chồng kiếm được, họ dồn vào lo thuốc men cho chị Mến và chuyện ăn uống.
Với chiếc xe lam, anh Văn cứ đi vòng vòng Đồng Tháp, tiện chỗ nào cho đậu thì đậu lại, ai mướn làm gì thì làm. Tối tối, anh và chị Diễm trải bạt, mắc mùng ngủ ngay lề đường, còn mấy đứa nhỏ và chị Mến ngủ ở trên xe.
Cười ngượng, chị Diễm tiết lộ gần đây chị có thai lần hai, cái thai đã được 4 - 5 tháng mà chị phải đi phá bỏ. Nghĩ gia cảnh khó khăn quá, 5 miệng ăn còn chưa lo xong, nếu để con lại thì cũng tội nghiệp đứa trẻ.
Hoàn cảnh của gia đình đặc biệt được nhiều người miền Tây biết tới. Thi thoảng gia đình được nhà hảo tâm tặng cho ít gạo, mắm muối, cá khô. Dịp Tết, một số nhóm từ thiện cũng tiếp cận, tặng quần áo cho mặc Tết.
Anh Văn nói, mơ ước của anh hiện tại là kiếm đủ tiền lo cho gia đình, lo thuốc cho chị Mến. Anh cũng muốn có công việc ổn định để có thể ổn định cuộc sống, cho con trai và cháu ngoại đi học khi đến tuổi, “chứ đi lang thang hoài cũng tội nghiệp tụi nhỏ”.
Nguồn: Minh Kha Đồng Tháp
Theo Bích Chi (Người Đưa Tin)