Ép con thi Sư phạm không thành, mẹ trộm giấp báo trúng tuyển của con rồi biến mất ngay hạn cuối ngày nhập học

16/08/2023 10:59:35

Người mẹ đã lấy sạch cả giấy tờ, tiền bạc, thậm chí là cả điện thoại của con rồi "bốc hơi" để ép con không thể nhập học được và thi lại theo nguyện vọng của mình.

Câu chuyện chọn nghề cho con cái xưa nay luôn là một vấn đề gây tranh cãi, không chỉ trong phạm vi gia đình mà còn lan rộng đến toàn xã hội. Vẫn biết ở thời điểm chọn trường, chọn nghề, phần lớn các con chưa có đủ trải nghiệm, đủ quyết đoán để đưa ra quyết định đúng đắn, vậy nên mới sinh ra các lớp hướng nghiệp để các con biết và hiểu hơn về sự lựa chọn của mình.

Nhiệm vụ của gia đình lúc này cũng là chỉ ra cho con biết sự lựa chọn của mình có thể dẫn đến kết quả thế nào chứ không phải là bức bách, ép buộc con giống như tình huống đang xôn xao mạng xã hội dưới đây.

"MẸ TÔI CẦM THEO GIẤY BÁO TRÚNG TUYỂN VÀO HỌC VIỆN HÍ KỊCH TRUNG ƯƠNG CỦA TÔI RỒI BIẾN MẤT

Năm tôi thi đại học, mẹ đã thay tôi viết hơn 40 nguyện vọng vào các trường sư phạm được miễn học phí, ra trường là có việc làm hoặc được vào biên chế nhà nước. Nhưng tôi không muốn làm giáo viên, sau khi nói chuyện với mẹ không có kết quả, tôi đã lén tự ý thay đổi nguyện vọng, đăng ký vào Học viện Hí kịch Trung ương (một trường nghệ thuật nổi tiếng của Trung Quốc, đã đào tạo nên nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi danh). Và cuối cùng thì tôi đã thi đỗ.

Hôm qua là đến hạn chót đóng học phí, tôi vốn định buổi chiều sẽ nộp tiền vào tài khoản nhà trường đăng kí sẵn. Ai ngờ buổi sáng đi học bơi về nhà mới phát hiện ra mẹ tôi đã cắt số điện thoại của tôi. Thẻ ngân hàng mà nhà trường làm cho, tiền mặt trong ví của tôi, giấy báo trúng tuyển, căn cước công dân, macbook, ipad và cả điện thoại cũ trước đây tôi từng dùng đều bị mẹ cầm đi hết. Điện thoại của mẹ đã tắt nguồn, tôi không gọi được, còn bố thì cứ liên tục khuyên tôi học lại, thi lại.

Ép con thi Sư phạm không thành, mẹ trộm giấp báo trúng tuyển của con rồi biến mất ngay hạn cuối ngày nhập học
Lời nhắn duy nhất người mẹ để lại để ép con làm theo nguyện vọng của mình (Ảnh: Weibo Việt Nam)

Lý do mẹ không muốn tôi vào Trung Hí, một là vì quá xa nhà, mẹ không muốn tôi học xa quá, bà từng nói nếu tôi khăng khăng đi Bắc Kinh học thì mẹ cũng sẽ chuyển đến Bắc Kinh làm. Thứ 2, mẹ tôi luôn cho rằng những công việc liên quan đến nghệ thuật đều chẳng ra gì, kiểu như “xướng ca vô loài”, không ngẩng cao mặt với đời được. Thứ 3, quan điểm của mẹ tôi là ngoài cảnh sát và giáo viên ra, những nghề khác đều phải nhìn sắc mặt người ta mà sống. Tôi không thuyết phục nổi mẹ mình nữa rồi…"

Tình huống này ngay khi chia sẻ lên mạng xã hội đã nhận về rất nhiều tranh cãi trái chiều:

- Nếu không phải người trong cuộc, các bạn sẽ không thể nào tưởng tượng ra nổi những ông bố bà mẹ cuồng kiểm soát và muốn coi con mình như vật sở hữu sẽ có thể làm ra những hành động như thế nào đâu. Toxic kinh khủng!

- Bảo sao càng ngày càng nhiều trẻ con trầm cảm đến mức tự sát khi tuổi đời còn trẻ. Áp lực lớn nhất không phải từ cuộc sống mà lại từ chính gia đình của mình.

- Là một người làm trong ngành giáo dục, đối với những vị phụ huynh kiểu này, ngoài cảm giác vô lực ra tôi thực sự không nói được gì! Không thể nói là họ không yêu thương con nhưng tình yêu của họ giống như một cái lồng khiến con và cả họ ngạt thở. Đến khi đứa trẻ phá khóa thoát ra được cũng là lúc họ mất đi con của mình.

- Đọc xong tự nhiên cảm thấy may mắn vì bố mẹ cho tôi tự do lựa chọn ngành nghề mà mình muốn theo học. Nhớ lúc bảo bố muốn theo ngành luật bố chỉ bảo: "Tùy con thôi. Tương lai của con cơ mà! Cứ học xong ra kiếm tiền đủ để nuôi bản thân là được.".

- Được sinh ra không phải lựa chọn của con, thế nên bố mẹ nếu không thể dạy dỗ và đối xử với con tử tế thì cũng đừng quyết định có con nữa!

Ép con thi Sư phạm không thành, mẹ trộm giấp báo trúng tuyển của con rồi biến mất ngay hạn cuối ngày nhập học - 1
Ảnh minh họa

May mắn là sau đó, chủ nhân bài viết đã được trường học tạo điều kiện để tiếp tục nhập học, không để lại nỗi ân hận cả đời. 

"Tôi đã báo cảnh sát, nhưng họ cũng không giải quyết được vì đây là vấn đề cá nhân gia đình. Họ không thể “bắt” mẹ tôi cho tôi tiếp tục đi học Đại học. Nhưng may mắn là cuối cùng thì tôi cũng nộp được học phí qua Wechat của trường rồi."

Dung (SHTT)

Nổi bật