Xoay quanh vụ việc tài khoản L.A.P - một người làm trang điểm đã đăng đàn tố khách hàng của mình “khôn lỏi”, đến book makeup ăn tiệc nhưng lại về làm cô dâu, bên cạnh những tranh cãi không ngớt của netizen thì ở phía những người làm dịch vụ - truyền thông marketing cũng đã có những ý kiến chia sẻ.
Trong lập luận mà L.A.P đưa ra để "phốt" khách thì việc nói sai mục đích trang điểm là điều cấm kỵ trong nghề. Tuy nhiên những người ngoài nghề lại không chứng thực được đây có thực sự là cấm kỵ hay không?
Phần lớn dân tình đang đứng về quan điểm rằng cô dâu dù trao đổi sai thông tin nhưng khi công sức bỏ ra và số tiền nhận lại là tương đương, thì sau khi ra khỏi cửa tiệm thì khách hàng làm gì là quyền của họ! Khách hàng không có nghĩa vụ phải báo cáo mục đích sử dụng sau khi đã thuận mua vừa bán.
Ở góc nhìn của những người làm dịch vụ thì lại khác. Từ trải nghiệm cá nhân và kinh nghiệm làm nghề dịch vụ nói chung và Makeup Artist nói riêng, họ có những đánh giá rất "sát sườn" và quan điểm rõ ràng để giải đáp những khúc mắc này!
Trao đổi với PV báo Phụ Nữ Mới, đứng ở góc độ làm Marketing, anh Phùng Thái Học (Founder group “Tâm sự con sen” nổi tiếng, CEO của một agency) còn đặt một dấu hỏi lớn về vụ việc: "Khách hàng có nghĩa vụ phải khai báo mục đích sử dụng với người bán? Chỉ khi nào khách thể hiện thái độ phàn nàn thì vấn đề mới phát sinh. Đó là kiểu tiền ít mà đòi được hoa thơm, ít ra lúc ấy phốt còn có cơ sở. Còn giờ khách hàng có ý kiến gì đâu, tại sao thợ make lại tổn thương nhỉ?".
Hồ Tú Linh, thợ makeup ở TP.HCM có 12 năm kinh nghiệm, nói với ZNews rằng giá của dịch vụ trang điểm cô dâu thường đắt gấp 3-4 lần makeup dự tiệc. Linh giải thích rằng sự chênh lệch này đến từ việc sử dụng các sản phẩm, kỹ thuật khác nhau.
"Nhiều người cứ nghĩ đơn giản là makeup cô dâu thì đậm hơn, nhưng không phải vậy. Một tiệc cưới có thể kéo dài cả buổi, cả ngày nên người thợ phải làm sao cho lớp makeup của cô dâu có thể hoàn hảo từ đầu đến cuối, kể cả trong trường hợp đổ mồ hôi hay khóc nhiều", Linh nói.
Thợ trang điểm này từng gặp không ít trường hợp dở khóc dở cười vì có những cô dâu một mực muốn "makeup nhẹ nhàng như đi ăn tiệc trong ngày cưới của mình".
"Dùng sản phẩm bình thường đi tiệc nên được đâu vài tiếng thì lớp nền trôi ra rất lem nhem. Lúc đó, khách khứa nhìn vào thì họ chỉ chê thợ tay nghề kém thôi, chứ có ai hiểu cho chúng tôi đâu", cô chia sẻ.
Theo Linh, khách có bất kỳ mong muốn gì nên trao đổi trực tiếp với thợ makeup. "Khi hai bên cùng thành thật và thống nhất phương án ngay từ đầu thì mọi chuyện sẽ dễ dàng, tốt đẹp cho cả thợ và khách".
Meenh Bùi, founder của Meenh Bùi Academy, có 8 năm kinh nghiệm trong ngành makeup, cho rằng cả thợ và khách trong vụ việc đã xử lý không khéo léo khiến câu chuyện bị đẩy đi quá xa so với mục đích ban đầu.
Về phần khách hàng, Meenh Bùi không đồng tình với việc khách thiếu trung thực. "Đi tiệc và làm cô dâu là rất khác nhau nên mọi người không thể nhập nhằng được".
Tuy nhiên, anh cũng không ủng hộ cách giải quyết vấn đề của thợ makeup. "Tôi hiểu được sự bức xúc của bạn thợ khi biết khách không thành thật, nhưng cái sai ở đây là bạn lại đưa hẳn hình khách lên khi chưa có sự cho phép".
Meenh Bùi nói rằng mỗi nghề đều có những quy tắc, điều cấm kỵ riêng và nghề trang điểm cũng không phải là ngoại lệ.
"Với chúng tôi, khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu, nhưng mọi người cũng nên tuân theo các quy tắc chung. Trong sự việc vừa qua, ai sai ở đâu nên nhận ở đó, không nên đổi trắng thay đen và quy chụp điều không hay cho toàn bộ thợ trang điểm", Meenh Bùi bày tỏ.
Đinh Phát (TPHCM) - một Makeup Artist chuyên nghiệp từng đồng hành cùng Team M.U.A 2023 tại Miss Universe Vietnam cung cấp góc nhìn để L.A.P có thể vượt qua khủng hoảng lúc này: " Hướng xử lí của bạn makeup chưa được tinh tế khi đăng trực tiếp hình của khách hàng lên như vậy. Đấy cũng là bài học rút ra về việc thoả thuận của make up và khách hàng ngay lúc đầu.
Nhiều lúc dù chúng ta muốn hay không muốn thì những chuyện như vậy vẫn luôn xảy ra. Bạn không chịu nổi và muốn giải toả, đồng nghiệp sẽ rất đồng cảm và chia sẻ được với bạn. Nhưng nên nhớ đồng nghiệp lại không phải là khách hàng, không mang đến tiền tài cho bạn được.
Cái mình cần là hiểu khách hàng - nhưng khách hàng lại không có nhu cầu phải hiểu mình. Lúa chín cúi đầu, mình làm nghề dịch vụ thì mọi thứ cứ hoan hỷ, tìm hướng giải quyết trong êm đẹp là tốt nhất" .
Theo đó, Đinh Phát cũng gửi lời với khách hàng, rằng nếu lỡ trong tiệc cưới mà lỡ gia đình hay dòng họ thắc mắc sao ai makeup cho mà kì vậy thì cũng tội cho bạn makeup. Vì makeup cho cô dâu đòi hỏi sự chuyên nghiệp và chỉn chu hơn hẳn, cô dâu chọn makeup tiệc thì cũng không thể giải thích cho từng người đến hỏi. Vậy thì cũng sẽ mất uy tín cho chính người thợ trang điểm kia.
Giữa tâm điểm tranh cãi với hàng loạt ý kiến được đưa ra, chính chủ bài đăng L.A.P đã xoá bài đăng "phốt" khách hàng và khoá cả trang cá nhân. Trang của người thầy dạy makeup cho L.A.P cũng vô cớ bị tấn công. Vụ việc ầm ĩ lan xa khiến những người trong nghề cảm thấy khá buồn, cuộc sống cá nhân của những người liên quan cũng ảnh hưởng không nhỏ. Thế mới thấy nghề dịch vụ như "làm dâu trăm họ" và để được lòng trăm họ là chuyện không dễ dàng gì!
NT (SHTT)