Theo giáo lý Phật giáo, Vu lan là lễ thường niên để tưởng nhớ tổ tiên, báo hiếu ông bà, cha mẹ. Tại các chùa ở Việt Nam, vào ngày lễ Vu lan thường có nghi thức "bông hồng cài áo" - cài bông hồng đỏ cho những ai còn cha mẹ và bông hồng trắng cho những ai mất cha mẹ, nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người.
Tuy nhiên ngày nay, nhiều người lại thể hiện sự "hiếu thảo" của mình với ông bà, cha mẹ đã mất bằng cách mua nhà lầu, xe hơi, tiền vàng bằng giấy để cúng và đốt "gửi" sang thế giới bên kia.
Có những gia đình đã đầu tư hàng chục triệu đồng để mua sắm lễ vật, bày cỗ to, cỗ nhỏ, để cầu cúng và hy vọng "người âm" sẽ được hưởng…
"Vàng mã là những đồ vật được làm bằng giấy, được người ta cho là có thể giúp người đã khuất sử dụng ở thế giới bên kia. Những món vàng mã phổ biến nhất là quần áo, giày dép, nhà cửa, xe cộ…
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều về việc đốt vàng mã. Một số người cho rằng đốt vàng mã là một việc làm mê tín, không có cơ sở khoa học. Họ cho rằng người đã khuất không cần những món đồ vật ở thế giới bên kia và việc đốt vàng mã chỉ là một sự lãng phí.
Dù bạn có đốt vàng mã hay không thì điều quan trọng nhất là bạn phải thành tâm cầu nguyện cho tổ tiên và những người đã khuất", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chi nhánh văn phòng phong thủy Đại Nam tại Nam Định, chia sẻ với báo Phụ Nữ Việt Nam.
Lịch sử Phật giáo đã ghi nhận, ngay trước Công nguyên, đạo Phật đã được truyền bá vào Việt Nam.Giáo lý Phật Đà đã sớm được tiếp nhận và từ đó hội nhập vào đời sống văn hóa của người Việt một cách ôn hòa, sâu sắc. Hơn 2000 năm qua, một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam, đó là Lễ Vu Lan.
Lễ Vu Lan ở Việt Nam không những nhắc nhớ việc báo hiếu cha mẹ mà còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn để biết ơn và báo ơn. Tư tưởng ấy hoàn toàn phù hợp với tư duy hiền hậu chất phác của người Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu, người ta đặc biệt trân trọng ơn cha mẹ sinh thành, nhất là mẹ đã mang nặng đẻ đau và vất vả nuôi con. Cha mẹ sinh ra ta, nhưng để có cha mẹ, thì phải nhớ đến ông bà tổ tiên, cửu huyền thất tổ. Vì thế, trong “mùa hiếu hạnh” này mỗi con người được nhắc nhớ tìm về nguồn cội, ông bà, tổ tiên.
Theo lời Phật dạy, việc tỏ lòng thành kính biết ơn đấng sinh thành của mỗi người có những cách khác nhau. Riêng các Phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phúc cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng…Trong đó, đại chúng có cách thể hiện theo suy nghĩ và nhận thức của đại chúng, Phật tử thì tưởng nhớ tới tổ tiên, cha mẹ, những người thân quen đã khuất bóng, những người đang sống bằng nhiều cách như ăn chay, niệm Phật, làm phúc, đến chùa nghe thuyết pháp, giúp đỡ và quan tâm đến cha mẹ, những người thân quen, chú trọng giúp đỡ cộng đồng để báo hiếu và tri ân công đức được hưởng công phúc chung.
Với tinh thần Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, ngày Vu Lan hàng năm cũng là ngày tri ân, báo ân tới những người có công với đất nước, những anh hùng, liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc với lòng thành kính, biết ơn sâu sắc.
Ngày nay Lễ Vu Lan đã pha trộn nhiều điều khác. Như cùng với thời gian, do ảnh hưởng của Ðạo giáo, tục cúng cô hồn tháng Bảy (âm lịch) trở thành một tập tục dân gian và chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa dân gian, nhưng dù sao Lễ Vu Lan vẫn xuất xứ và có gốc tích từ đạo Phật.
Tuy nhiên, cùng với những nét đẹp văn hóa đó, ngày lễ Vu Lan đang bị yếu tố mê tín, phi Phật giáo tác động, đó là tục đốt vàng mã. Dịp này, nhà nhà lại sắm sửa lễ vật, vàng mã để cúng chúng sinh, nhà ít cũng đốt vài bộ quần áo, mấy xấp tiền vàng cho “người cõi âm” hết vài trăm ngàn, nhà nhiều, đốt cả ô tô, xe máy, nhà lầu, tốn đến tiền triệu. Mặc dù nhận thức được đốt vàng mã là tốn tiền của, là khói bụi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và ngay cả khi nhiều ngôi chùa đã đặt biển cấm đốt vàng mã trong chùa, song việc đốt vàng mã vẫn diễn ra phổ biến.
Hòa thượng Thích Gia Quang cho rằng: Lễ Vu Lan có nguồn gốc Phật giáo nhưng trong giáo lý nhà Phật không khuyên con người đốt nhiều vàng mã trong dịp này để báo hiếu, thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Việc đốt nhiều vàng mã sẽ gây tốn kém và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Bởi vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi việc thực hành tiết kiệm trong việc sử dụng vàng mã cũng như tổ chức các hoạt động dịp Rằm tháng Bảy.
Lý giải cụ thể hơn về vấn đề này, Hòa thượng Thích Gia Quang cho biết, Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Vu Lan trở thành ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn.
Bên cạnh đó, với tinh thần Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, ngày Vu Lan hàng năm cũng là ngày tri ân, báo ân tới những người có công với đất nước, những anh hùng, liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc với lòng thành kính, biết ơn sâu sắc. Bởi vậy, điều cốt lõi trong dịp Vu Lan là cần có cái tâm trong sáng, hướng thiện, lối sống vị tha, biết chăm lo cho những người xung quanh…
Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh: Trong Phật giáo không có tục lệ đốt vàng mã. Theo quan điểm của Phật giáo, chỉ dùng cái tâm, tâm niệm để tưởng nhớ, noi gương các bậc tiền bối, các bậc thần thánh để từ đó làm tốt trong đời sống của mình, không cần phô trương, hình thức, đó mới là điều cốt lõi. Do vậy, việc đốt vàng mã nhiều như hiện nay là rất lãng phí.
NT (SHTT)