Mạng xã hội đang xôn xao câu chuyện một nữ khách hàng đi uống trà chanh cùng bạn bè tại quán ở Vũ Phạm Hàm (Hà Nội) và bị mất xe máy SH. Kiểm tra camera an ninh thì phát hiện có người lạ mặt phá khóa cổ để dắt xe đi. Sau đó, người nhận là quản lý quán cho biết không có trách nhiệm với việc xe của khách bị mất.
Cụ thể, nữ khách hàng đăng tải bức xúc trên trang cá nhân: "Mình đã nghe nhiều về những cốc nước giá 100 triệu và vừa rồi thì chính mình cũng đã trải nghiệm cốc nước 100 triệu ấy tại quán nước của anh V. ở địa chỉ Vũ Phạm Hàm.
Cụ thể, tối ngày 20/10, mình và bạn có đến uống nước tại quán trà chanh ở địa chỉ Vũ Phạm Hàm và được nhân viên hướng dẫn để xe kỹ càng, khi được nhân viên nói là các bạn nhân viên sẽ trông xe nên mình cũng an tâm để xe theo hướng dẫn và vào uống nước. Nhưng 1 tiếng sau, khi chúng mình đứng lên đi về thì phát hiện chiếc xe SH 125i của mình không còn ở chỗ cũ, mình hoảng loạn bấm mode thì không thấy xe đâu. Khi ấy, vẫn chính bạn nhân viên đảm bảo với mình: "Ui chị ơi không bao giờ mất đâu ạ, bọn em luôn trông xe cho các chị mà". Nhưng sự thật sau khi kiểm tra camera thì xe mình đã bị 2 kẻ xấu dắt đi.
Mình cũng trình báo cơ quan CA ngay sau đấy và đặc biệt là mình phải tự đi trình báo CA, tự đi tìm địa chỉ CA phường chứ bên phía quán cũng không hề đi cùng. Khi này mình đã cảm thấy sự vô trách nhiệm từ phía quán. Và chủ quán hôm ấy lại không có ở Hà Nội nên mình không thể nói chuyện trực tiếp, mình cũng đã kiên nhẫn đợi đến tối 23/10, để mình, chủ quán và bạn nhân viên hướng dẫn để xe cũng như nhận trông xe 3 mặt 1 lời. Dù đã hẹn 7h nhưng khi đến mình phải đợi đến hơn 8h thì bên quán mới có mặt đầy đủ, và mình còn phải chờ các bạn ý ăn cơm. Có vẻ như quán đang nghĩ mình đến đây để cầu xin sự hỗ trợ từ quán vậy.
Khi mình gặp chủ quán sau 3 ngày chờ đợi thì lại nhận được câu nói: "Quán anh kinh doanh nước chứ không đăng ký dịch vụ trông giữ xe, khách hàng phải tự bảo quản xe của mình". Vậy tại sao khi khách đến lại không bảo vậy đi ạ? Hay bây giờ khách tới uống nước còn phải vừa uống vừa nhìn xe của mình? Mà đây còn là chính miệng nhân viên bảo các bạn ý trông xe, không mất được đâu. Thế nhưng tối 23, khi có cả chủ quán, nhân viên cũng chối đây đẩy, nói rằng bạn ấy không hề nói bạn ấy trông xe. Khi ấy thì mình đã thật sự rất thất vọng với cách hành xử của quán, thậm chí bên quán còn nói nếu làm to chuyện thì người thiệt chỉ có mình và khoe khéo là quán có quen cả luật sư. Ngoài ra, bên quán cũng ngỏ ý nếu mình phốt thì quán chỉ cần sang nhượng phát là xong.
Nhưng sau cùng, cả hai bên đều muốn giải quyết êm đẹp, bên quán hỏi mình đưa ra con số cụ thể, thì mình cũng đưa ra con số là 50% giá trị xe hiện tại tức rơi vào khoảng 35 triệu đồng. Bên quán oke xin thời gian bàn bạc và trưa 25/10 thì nhắn cho mình với nội dung bên dưới, tức là chỉ hỗ trợ 2 triệu "về mặt tình cảm". Tất nhiên mình không thể đồng ý với con số này, và nếu quán muốn dùng 2 triệu để đổi lấy sự im lặng của mình thì chắc chắn không bao giờ được! Đỉnh điểm của sự vô trách nhiệm là phía bên quán nói tiền này là quán hỗ trợ thôi chứ không phải bồi thường, quán không có trách nhiệm hay nghĩa vụ bồi thường gì cả, còn to chuyện thì một đồng quán cũng không chi.
Bài học của mình cũng là lời cảnh tỉnh cho các bạn khi đi ăn hay uống nước ở bất kì đâu để tránh gặp phải quán như này!
Là người làm kinh doanh, giá mà quán có cách hành xử khéo léo hơn thì mọi chuyện đã khác!".
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Dương Đức Thắng - Phó giám đốc Công ty Luật Myway (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, việc trông giữ phương tiện của khách và trách nhiệm đền bù thiệt hại khi mất xe hoặc hư hỏng (nếu có) hoàn toàn phụ thuộc vào việc hai bên có thoả thuận trông giữ xe hay không.
Theo quy định tại Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công. Hợp đồng có thể được giao kết bằng lời nói, hành vi hoặc văn bản theo khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự.
Hợp đồng trông giữ xe này có thể bằng hợp đồng hoặc giao kết bằng lời nói, hành vi hoặc văn bản. Vị luật sư này viện dẫn, theo khoản 2 Điều 556 Bộ luật Dân sự, bên gửi tài sản - khách hàng có quyền: Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Đồng thời, bên phía cửa hàng - người giữ tài sản cũng phải có nghĩa vụ nêu tại khoản 4 Điều 557 Bộ luật Dân sự: Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng
Đối chiếu trong trường hợp cụ thể vụ mất xe máy SH tại quận Long Biên nói trên, luật sư Dương Đức Thắng cho rằng: "Tại thời điểm khách hàng để xe trước cửa quán, nếu không có nhân viên bảo vệ hướng dẫn, dắt xe và cũng không có vé xe để thể hiện giao kết giữa bên gửi và bên trông, thì xét về lý, quán cà phê không có trách nhiệm phải đền".
Theo vị luật sư, trường hợp này xảy ra khá nhiều trên thực tế vì không phải tất cả cửa hàng đều có người trông giữ xe. Đồng thời, cũng không có quy định pháp luật nào bắt buộc cửa hàng phải trông giữ xe cho khách hàng. Vì vậy, việc trông giữ xe không phải nghĩa vụ bắt buộc mà mỗi cửa hàng phải thực hiện.
"Thông thường các cửa hàng lớn sẽ có người phụ trách trông giữ, dắt xe cho khách, thậm chí phát vé xe. Còn nếu không, các quán sẽ có tấm biển với nội dung như "Khách hàng tự bảo quản phương tiện, tài sản,..." như một văn bản thông báo tới khách hàng rằng cửa hàng không có trách nhiệm nếu xảy ra mất mát, hư hỏng", vị luật sư này chia sẻ thêm.
Tuy vậy, theo luật sư Thắng, dù về lý thì có thể quán cà phê nói trên không phải đền nếu chứng minh là mình và khách không hề có giao kèo về việc trông giữ xe, nhưng thông thường, phía cửa hàng căn cứ vào khả năng của mình cũng vẫn đền bù toàn bộ hoặc một phần tài sản bị mất. Ngoài ra, cửa hàng vẫn có trách nhiệm đến cùng trong việc cùng khách hàng khai báo, phối hợp với cơ quan chức năng tìm ra thủ phạm.
NT (SHTT)