Thức dậy sau một đêm ngủ trong phòng điều hòa mát lạnh, bà H.T.T (47 tuổi, trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) không nhắm kín được mắt phải, miệng méo, ăn uống rơi vãi. Bà T. nghĩ rằng mình bị đột quỵ nên vội vàng đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân liệt mặt do nhiễm lạnh, VietNamNet đưa tin.
Bà T. được chuyển sang điều trị phục hồi chức năng tại Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng liệt mặt của bà đã được cải thiện nhưng chưa phục hồi hoàn toàn.
Báo VTV.vn dẫn lời BSCKI Nguyễn Văn Hiệu - Trưởng khoa Châm cứu Dưỡng sinh cho biết, có tới hơn 80% các trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là do lạnh. Đang trong giai đoạn nắng nóng, mọi người thường xuyên ở trong môi trường có điều hòa và quạt, có khi ngủ dưới điều hòa ở nhiệt độ quá thấp, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng liệt mặt, méo miệng, không những gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Cũng theo bác sĩ Hiệu, có nhiều nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 nhưng có 2 nhóm nguyên nhân chính, đó là do mạch máu và do virus, nhiệt độ quá lạnh là một trong những yếu tố khiến mạch máu nuôi dây thần kinh bị co thắt gây hiện tượng thiếu máu cục bộ, phù nề. Không những thế, với nhiệt độ hay thời tiết lạnh còn có thể khiến các virus ở vùng tai, mũi, họng hoạt động mạnh, từ đó gây tổn thương dây thần kinh ngoại biên số 7.
Để phòng bệnh liệt dây thần kinh số 7, người dân cần lưu ý 1 số điều sau:
- Tránh ngủ ở nơi có gió lùa.
- Tránh ngủ ở nhiệt độ quá lạnh hay hơi lạnh trực tiếp từ quạt hay điều hòa vào vùng đầu mặt.
- Tránh tiếp xúc đột ngột với nước lạnh, như uống nước đá hay tắm ngay sau khi đi ngoài trời nắng nóng về.
- Không nên tắm quá khuya, thời gian tắm tốt nhất là trước 19h.
- Cần điều trị sớm các chứng viêm nhiễm ở tai, mũi, họng để tránh các biến chứng ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7.
PN (SHTT)