Có người cho rằng, già mà không có tiền sẽ gây phiền phức cho con cái. Đặc biệt khi về già, con người sẽ không thể tránh được bệnh tật. Vì vậy, nếu cha mẹ về già không có của để dành sẽ làm khó gia đình.
Mặt khác, một người giàu có khi về già liệu có tốt? Nếu cha mẹ có tiền, mọi thứ có lẽ sẽ dễ dàng hơn. Nhưng thực tế đôi khi khác với những gì chúng ta nghĩ. Nhiều người luôn cho rằng có tiền thì mọi chuyện sẽ ổn thôi, nhưng một số khác thì không nghĩ như vậy.
Ở Trung Quốc, một bà cụ 80 tuổi đã bị 4 người con trai bỏ rơi trước cửa nhà em út vào đêm giao thừa. Dưới đây là câu chuyện do bà kể lại.
Gia đình bất hòa vì... tiền
Tôi họ Mạnh, năm nay đã 80 tuổi. Vợ chồng tôi có với nhau 4 con trai và 1 con gái. Con gái của tôi làm kinh doanh, hai vợ chồng tự bỏ vốn và thuê mặt bằng để buôn bán. Những năm này hai đứa làm ăn khá phát đạt.
Gia đình chúng tôi ở Sơn Tây. Sau khi lập nghiệp ở Cam Túc, con gái đón chúng tôi về ở cùng. Vợ chồng nó mua được một căn hộ ba phòng ngủ.
Tôi ở cùng con gái đã được 15 năm. Trong 15 năm đó, 4 người con trai, chỉ có anh cả đến gặp vợ chồng tôi một lần, những người còn lại chưa hề ngó ngàng đến.
Hàng tháng tôi có tiền lương hưu 10.000 NDT (khoảng 34,3 triệu đồng). Số tiền chủ yếu dành để mua đồ ăn.
Cuối tháng 12/2023, ông nhà tôi đột ngột ngất xỉu, được đưa vào bệnh viện. Bản thân ông có bệnh lý nền, do tuổi cao nên phải nằm viện điều trị. Con gái tôi ngày nào cũng túc trực, con rể lo việc kinh doanh và con cái ở nhà.
Để đỡ đần con gái, tôi quyết định gọi con trai đến thay ca. Tuy nhiên chỉ có con trai lớn và con trai út đến, anh thứ hai và thứ ba có việc bận nên về muộn hai ngày. Chồng tôi nằm viện 10 ngày rồi cuối cùng qua đời.
Sau tang lễ, con trai lớn rủ tôi ở lại nhà nó một thời gian, vốn dĩ tôi định từ chối và về nhà con gái. Tuy nhiên, anh cả đã bật khóc, giải thích chỉ muốn làm tròn tấm lòng hiếu thảo của mình.
Tôi mủi lòng và quyết định dọn đến nhà con trai cả sống. Điều tôi không ngờ tới là hóa ra nó có mục đích của mình. Cả 4 thằng con trai vây quanh, nhất quyết đòi tôi lấy tiền lương hưu chia cho chúng nó.
Sau khi nghe những lời này, tôi cảm thấy suy sụp. Im lặng hồi lâu, tôi hỏi: “15 năm qua con đã đến gặp bố con mẹ bao nhiêu lần? Đã bao nhiêu lần con đi cùng chúng ta đến bệnh viện?”.
Lời tôi vừa nói ra thì các con đều im lặng. Sau nhiều lần thương lượng, tôi nhất quyết không giao thẻ lương cho chúng.
Thấy con trai lạnh nhạt, tôi đòi dọn về nhà con gái út. Đêm giao thừa, con trai cả đưa tôi về nhà. Đứng trước cửa nhà con gái, tôi đau xót không nói nên lời. Vì tuổi đã cao, tôi đưa thẻ lương hưu cho con để chúng nó tự lo liệu. Sau chuyện này tôi mới thấy, về già có quá nhiều tiền cũng là sai lầm.
Con cái hiếu thuận là tài sản lớn nhất khi về già
Nhiều gia đình dù có của cải vật chất, có địa vị xã hội cao nhưng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Họ sống với nhau nhưng luôn muốn hơn thua, đố kỵ. Trong hầu hết các gia đình, khi bố mẹ chúng ta về già, họ luôn muốn nhìn thấy không khí gia đình đầm ấm, đoàn kết.
Vì thế, con cái có hiếu chính là những người giữ được không khí gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Điều này mang đến sự bình yên trong chính con người họ. Không chỉ vậy, nó còn làm bố mẹ yên lòng, vui vẻ tận hưởng những tháng ngày hưu trí.
Tiền bạc dù quan trọng, con cái có thể chu cấp cho bố mẹ nhiều tiền thì càng đáng quý nhưng không phải điều quan trọng nhất trong gia đình. Một người sống có hiếu trước hết phải biết tôn trọng những người thân trong gia đình mình. Sau đó, giữ vững mối quan hệ tốt đẹp, không tranh chấp với họ hàng cũng là điều cần thiết.
Theo Thùy Anh (Nguoiduatin.vn)