Sự tích cây hoa Đào ngày Tết
Ngày xửa ngày xưa, tại vùng núi Sóc Sơn ở phía Đông, có một loài cây hoa đã mọc từ rất lâu đời, gọi là hoa Đào. Cây có cành lá khỏe mạnh và rậm rạp, hoa có màu đỏ rực che phủ cả một góc trời. Dân gian truyền rằng, có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy đang ngụ tại loài cây này. Họ giúp dân chúng diệt trừ yêu ma, quỷ dữ, bảo vệ dân lành, giúp dân có được cuộc sống ấm no, an toàn.
Tuy nhiên cứ vào dịp cuối năm là Ngọc Hoàng lại triệu tập các vị thần linh về chầu trời, trong đó có cả hai vị thần Trà và Uất Lũy. Do đó mà mà quỷ lại có dịp để làm loạn nhân gian và hãm hại con người, tuy nhiên chúng vẫn e sợ cây hoa Đào đỏ rực của hai vị thần.
Nhờ vào lẽ đó, người dân cứ vào dịp cuối năm lại ra bẻ cành Đào để mang về nhà trồng hoặc cắm vào trong lọ. Từ đó mà ma quỷ nhìn thấy mà kinh sợ, không dám lại gần con người, người dân sẽ đón được một cái Tết an toàn, êm ấm khi mà không có các vị thần linh ở bên bảo vệ.
Ý nghĩa của hoa Đào ngày Tết
Tại sao người miền Bắc lại trồng cây hoa Đào ngày Tết? Đó là bởi những giá trị ý nghĩa vô cùng độc đáo mà loài cây này mang lại, ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa và tín ngưỡng của người dân. Cụ thể như sau:
- Theo thuyết ngũ hành bát quái của người Trung Quốc, hoa Đào có 5 cánh tượng trưng cho ngũ hành tương sinh, có khả năng mang lại bình an và bảo vệ con người khỏi tà ma, quỷ dữ.
- Hoa Đào nở nhiều trên cùng một cành hoa tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, mang đến điều may mắn về tài lộc cho gia đình trong năm mới. Một số nơi thường dùng hoa Đào để trang trí đám cưới với mong muốn sinh được nhiều con, gia đình thêm hạnh phúc.
- Hoa Đào là biểu tượng của mùa Xuân đối với người dân miền Bắc nước ta, đó là lý do cứ ngày Tết là người ta lại trồng hoa Đào với hàm ý Tết đến, Xuân về.
- Theo quan niệm của người Nhật Bản, hoa Đào tượng trưng cho sự trong trắng, nguyên vẹn, thủy chung của người phụ nữ.
Đào bích là gì? Đào phai là gì?
Đào phai và đào bích là hai loại đào phổ biến nhất trong dịp Tết Nguyên Đán bởi nó đẹp, giá cả phải chăng, hương thơm dễ chịu và dễ dàng mua được ở bất kỳ đâu. Vậy cụ thể 2 loại hoa đào này là gì?
Đào phai và đào bích đều thuộc họ cây đào Prunus persica (peach blossom), là loài cây có rụng lá, cây thân gỗ nhỏ, chiều cao trung bình có thể đạt tới 10m. Hoa đào phai và hoa đào bích thường nở vào đầu mùa đông và mùa xuân. Trong đó, hoa đào phai thường có màu hồng nhạt, còn hoa đào bích thường có màu hồng đậm hơn.
Quả của cây đào phai và đào bích đều thuộc loại quả hạch có một hạt giống to được bao bọc trong một lớp vỏ gỗ cứng, thịt quả đào thường có màu vàng hoặc trắng, có mùi vị thơm thanh và nhẹ nhàng, lớp vỏ của quả đào được bao quanh bởi lông tơ mềm.
Phân biệt hoa đào bích và đào phai
Cách phân biệt đào phai và đào bích đơn giản nhất có lẽ là dựa vào màu hoa đào. Đúng như tên gọi, đào phai sẽ có màu hoa nhạt hơn, từ hồng trắng cho đến hồng nhạt. Đào bích có hoa màu đậm hơn từ màu hồng đậm cho đến hồng đỏ.
Đào bích cũng thường có tán rộng, hoa là hoa kép rải đều khắp các cành, kể cả cành tăm nhỏ xíu và hoa bích đào có nhiều cánh hoa xếp chồng lên nhau.
Giống đào phai có màu hoa màu nhạt, phơn phớt hồng, cánh hoa mỏng hơn đào bích. Bên cạnh đó, đào phai cũng có nhiều loại như hoa đào phai 5 cánh hoặc nhiều cánh hơn, thậm chí có giống hoa còn có 20 đến 30 cánh xếp chồng lên nhau nhìn rất to và dày.
Nhìn chung, cả hai loại hoa đào phai và hoa đào bích đều là những giống hoa đào đẹp, có mùi hương thơm nhẹ dễ chịu, có giá thành phải chăng và thường được nhiều người yêu thích mua để chơi Tết hoặc làm quà Tết để đem tặng biếu mọi người.
Một số loại hoa đào khác
Ngoài đào bích và đào phai thì hiện còn rất nhiều các loại hoa đào khác. Bạn có thể tham khảo để tìm mua nếu ưng ý nhé:
Đào thất thốn
Đây là giống đào cổ, rất quý và hiếm trước đây chỉ dành cho vua thưởng thức nên còn được gọi với cái tên là đào tiến vua. Hoa đào thất thốn có dáng lùn, nở nhiều hoa màu đỏ rực được xếp đan xen tạo nên màu sắc cuốn hút.
Mỗi đoạn thân cây chỉ dài 7 đốt ngón tay, cây sẽ chia cành khác và mỗi thốn chỉ có 7 hoa, bông rất to dày, nhiều lớp có màu đỏ tươi, hoa mọc phân bố đều từ thân đến cành. Số lượng đào thất thốn cũng không nhiều nên tại vườn Nhật Tân loại hoa này cũng được săn đón không kém với giá từ 10 triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng/cây.
Bạch đào
Đây là giống đào rất hiếm, sắc trắng tinh khôi, thuần khiết, hiện nay còn rất ít chỉ khoảng vài gốc nên khó có thể gặp được loại hoa này vì được nhiều đại gia săn lùng với giá thuê cao ngất ngưởng lên tới cả chục triệu đồng/cây
Giống đào này cho hoa màu trắng, bông to đường kính 3,5 cm, số lượng hoa từ 18 – 20 cánh một bông, chống chịu sâu bệnh tốt.
Đào má hồng
Đào má hồng hay còn có tên gọi khác là đào lông hay đào vạn trượng, đây là loại đào lai được ghép từ gốc cây đào rừng của Đà Lạt với mầm của các loại hồng đào, liễu đào, bích đào, bạch đào… Nó có tên gọi đặc biệt như vậy là vì khi chín, một phần quả đào sẽ chuyển sắc hồng phơn phớt như đôi má hồng thiếu nữ. Hoa đào má hồng là hoa kép có khoảng 25 cánh chụm lại, có mùi thơm đặc trưng và giữ được lâu.
Đào má hồng cho hoa kép với khoảng 25 cánh, đẹp hơn hẳn hoa đơn 5 cánh của đào Đà Lạt; độ bền của hoa kéo dài cả tháng. Thân đào là những cây mai anh đào hàng chục năm tuổi nên trông khá cổ, dáng thế đẹp và rất độc đáo.
Đào rừng
Một giống đào khác nữa là từ giống đào phía bắc. Đây là loại đào ăn quả có màu hoa phớt hồng, mỗi bông hoa có 5 cánh đơn cứng cáp, mang dáng vẻ tự nhiên khỏe khoắn. Loại nào này hiện được nhiều người ưa chuộng, thường mang về từ các vùng Mộc Châu, Sơn La vào ngày giáp Tết. Hoa nở bền, thân đào có rêu mốc tự nhiên nên có rất đông người mua chơi tết.
Đào đá
Đào đá mọc chủ yếu trong rừng sâu, thân cây xù xì, cành to khỏe, do có các thực vật khác ký sinh nên thân cây có hình dạng rất đặc biệt. Đào đá có 5 cánh đơn rất đẹp mắt nhưng lại ít hoa hơn so với đào bích hay đào phai.
Cách chăm sóc hoa Đào ngày Tết giúp nở đẹp, lâu tàn
Đối với Đào thế trồng trong chậu:
- Là loại trồng trong chậu, do đó cần phải được tưới nước và chăm sóc hàng ngày.
- Không nên tưới quá nhiều nước cho cây kẻo sẽ khiến cây bị úng nước và thối rễ. Đặt chậu cây ở nơi thông thoáng, nhiều gió và mát mẻ để hoa nở được lâu và cây bền đẹp hơn.
- Nếu muốn hoa Đào nở chậm, bạn có thể rải một ít sỏi hoặc đắp một chút vôi xung quanh gốc cây để giữ lạnh khiến cho hoa không thể nở nhanh.
Đối với cành Đào cắm trong lọ:
- Cành Đào khi mới mua về cần đốt gốc hoặc nhúng vào chậu nước nóng để cho các chất dinh dưỡng trong cành không bị thất thoát ra ngoài khi cắm.
- Cắm cành hoa vào trong lọ, cứ 2-3 ngày là phải thay nước một lần và rửa sạch phần gốc nằm trong nước.
- Bạn có thể cho thêm vào trong lọ vài viên thuốc B1 để giữ cho cành nở hoa đẹp và lâu tàn hơn.
- Nếu gặp phải trường hợp cành Đào nở quá nhanh, dùng dao cứa một vòng tròn xung quanh gốc để ngăn hoa Đào lấy dinh dưỡng từ gốc, kìm hãm sự nở nhanh của hoa.
NT (SHTT)