Trong đám cưới truyền thống, vàng vẫn giữ nguyên vị thế như một món quà đặc biệt dành tặng vợ chồng trẻ. Vàng cưới là biểu tượng của may mắn, đồng thời là tài sản giữ tiền tốt, thậm chí sinh lời cao trước các biến động của nền kinh tế. Nhiều người tặng vàng cưới với hy vọng cặp đôi trẻ có “chút vốn", tài sản thanh khoản cao để bắt đầu cuộc sống chung.
Tuy nhiên, trong thời điểm giá tăng cao như hiện nay, nhiều cô dâu chú rể lại gặp không ít áp lực khi phải mua lại vàng cưới tặng bạn bè, người thân. Một số người khác lại thấy may mắn vì hồi trước được tặng những món quà khác, nên áp lực "trả nợ" đã giảm bớt phần nào.
Áp lực phải trả nợ vì lỡ bán hết vàng cưới
Thanh Mai (28 tuổi, TP.HCM) đã kết hôn vào giữa năm ngoái. Cô nhớ lại, trong đám cưới của mình, vợ chồng được tặng 3 cây vàng nhưng đã bán hết ngay sau đó.
Thanh Mai chia sẻ, lựa chọn bán hết vàng cưới là bắt buộc trong hoàn cảnh đó, bất chấp họ đã tính toán thời điểm phải mua lại vàng cưới, giá có thể tăng phi mã. Bởi lẽ bấy giờ, Thanh Mai đang thuê nhà ở TP.HCM nên không yên tâm cất vàng ở trọ. Trong khi đó, chồng cô hay đi làm ăn xa nhà và ở cùng tập thể nên cũng không an tâm cầm vàng. Vợ chồng cô đã tính đến phương án nhờ mẹ giữ vàng hộ nhưng không khả thi vì nhà ở quê không có két.
Cuối năm ngoái, Thanh Mai đã đi dự đám cưới đồng nghiệp, đồng nghĩa cô phải mua vàng để trả lại họ.
Cô nàng chia sẻ bản thân không thấy tiếc, vì dẫu sao đây cũng là món quà dành cho người thân thiết. Tuy nhiên, cô không tránh khỏi áp lực vì phải chi số tiền lớn cùng một lúc. Trước đó, cô nàng đã canh thời điểm giá vàng đi xuống để mua lại vàng mừng cưới. Tuy nhiên, do giá vàng chỉ tăng chứ không có giảm nên cô đã chốt mua vàng nhẫn với giá 7,5 triệu đồng/chỉ để kịp dự đám cưới bạn thân.
“Trong đợt ăn cưới này, mình tính ra cũng ‘lỗ'. Chẳng qua, mình nói ‘mình không có tiếc' để đỡ suy nghĩ thôi. Thêm vào đó năm nay kinh tế khó khăn và ngay sau khi tổ chức đám cưới thu nhập của mình bất ngờ giảm sút nên cũng phần nào gặp áp lực", Thanh Mai nói thêm.
Thấy mừng vì nhận được món quà khác ngoài vàng cưới
Thảo Đoàn (28 tuổi, TP. HCM) kết hôn cách đây 4 năm. Trong đám cưới, cô nàng nhận được 5 cây vàng, từ người thân, đồng nghiệp và bạn bè thân thiết. Chỉ một năm sau kết hôn, vợ chồng Thảo Đoàn đã bán hết vàng cưới để dồn tiền mua căn nhà đầu tiên.
“Đến thời điểm hiện tại, mình vẫn cho rằng bán hết vàng cưới là quyết định đúng đắn. Sau vài năm giá vàng tăng cao, mình chỉ thấy áp lực tiền nong khi phải đi tặng lại vàng cưới thôi. Còn tiếc thì không, vì trước khi bán vàng cưới, mình đã xác định cần bán chúng lấy tiền mua nhà rồi.
Ngoài ra, mình luôn cho rằng: Nếu tại thời điểm mua lại, giá vàng giảm thì mình không lo lỗ. Còn vàng tăng cao thì coi như người thân, bạn bè mình được mừng", Thảo Đoàn cho hay.
Từ trải nghiệm cá nhân, Thảo Đoàn cho rằng, trong đám cưới, mọi người có thể “phá lệ" tặng vàng cưới. Thay vào đó, bạn có thể chúc phúc bằng những món quà khác vẫn ý nghĩa nhưng không còn quá nặng nề về vật chất, chẳng hạn đồ gia dụng trong nhà,...
Thảo Đoàn chia sẻ: “Trong đám cưới của mình, mình đã khuyên một vài người bạn thay vì tặng vàng cưới thì có thể đổi tặng quà. Chẳng hạn với em gái, mới ra trường, chưa kiếm được nhiều tiền nên mình gợi ý em không tặng vàng cưới. Thay vào đó, mình nói nhà còn thiếu bếp nướng và thảm ngồi, tổng giá trị khoảng 1.5 triệu đồng. Sau khi nhận được món quà này, mình vẫn rất ưng ý vì đó là quà vừa phù hợp nhu cầu của mình, còn vừa túi tiền của em".
Có nhất thiết phải mừng vàng cưới giữa lúc giá tăng cao?
Thảo Đoàn chia sẻ, “mừng vàng trả vàng, mừng tiền trả tiền" là quy luật phổ biến khi đi dự đám cưới. Nói cách khác, nếu cô dâu chú rể được tặng vàng trong đám cưới, thì ne mai họ cũng cần “đáp lễ” lại đối phương bằng vàng. Cũng vì thế, không phải cặp đôi nào cũng thích được tặng quá nhiều vàng trong ngày vui của mình, vì lo ngại ne mai sẽ cần đi “trả nợ" lớn.
“ Vàng cưới là vật có giá trị lớn và đắt đỏ. Thế nên mình cũng rất vui nếu bạn bè, người thân tặng mình món quà khác, chẳng hạn phong bao hay đồ gia dụng, miễn là phù hợp với tình hình tài chính của họ.
Suy cho cùng, tặng quà gì là tuỳ tâm của mỗi người và người nhận đều quý. Nếu món quà bạn tặng quà giá trị thì đôi khi còn tạo áp lực trả nợ lớn lên cho cô dâu chú rể".
Đồng quan điểm với Thảo Đoàn là Chi (33 tuổi, TP.HCM). Cô đã kết hôn được 8 năm, không còn giữ được một chút nào vàng cưới, đồng thời cũng “trả nợ" hết vàng cưới năm nào. Chi chia sẻ, tùy thuộc vào tình hình giá vàng tăng và độ thân sơ của mối quan hệ mà cô lựa chọn giữa mừng vàng cưới, quà hay phong bì.
“Nếu là người thân thì kể cả giá vàng chạm đỉnh, mình cũng phải cố vay tiền mua vàng tặng họ. Tuy nhiên, có những thời điểm giá vàng tăng cao như giữa năm ngoái và mối quan hệ không quá thân thiết, thì mình có thể chọn tặng quà hay đi phong bì thôi. Điều này vừa giảm bớt áp lực tiền nong của mình, mà cũng đỡ phần nào suy nghĩ mắc nợ cho cô dâu chú rể" , Chi giải thích.
Theo Nguyệt (Nhịp sống Thị trường)