Tôi năm nay 40 tuổi có công việc ổn định và kinh tế vững chắc. Chồng tôi là người đàn ông rất có chí làm ăn, hết lòng yêu thương vợ con nên nhìn chung tôi cũng không có gì phải lăn tăn suy nghĩ nhiều. Mọi thứ tưởng chừng như viên mãn nhưng 2 năm qua là quãng thời gian đau khổ nhất trong cuộc đời mà tôi phải cố gắng từng ngày vật lộn để thoát ra được nỗi ám ảnh.
Con gái tôi, cháu mới 6 tuổi nhưng không may qua đời trong một vụ tai nạn giao thông và tôi cũng có mặt đúng lúc đó để đón con tan học về. Tận mắt chứng kiến sự ra đi của con chính là nỗi ám ảnh bàng hoàng nhất trong lòng tôi. Mất 1 năm đầu tiên tôi không quan tâm đến bất kì thứ gì mà chỉ sống trong bóng tối, công việc gia đình và chăm sóc đứa con nhỏ tôi phải nhờ mẹ chồng và mẹ đẻ chăm sóc. Tưởng chừng đã vượt qua được mọi đau khổ sau 2 năm thì mọi thứ như vẹn nguyên trong một lần mới đây.
Buổi tối hôm ấy chồng tôi đi công tác nên tôi làm việc hơi muộn, khi tôi đang chuẩn bị lên giường đi ngủ, đồng hồ chỉ 11h thì bỗng dưng con trai 4 tuổi của tôi mở cửa bước vào.
- Mẹ con muốn ngủ cùng mẹ.
Tôi vội ôm lấy con vào lòng và hỏi:
- Sao vậy con, sao mẹ thấy con đã đi ngủ rồi nhưng tại sao con lại thức dậy thế?
Đứa trẻ không trả lời câu hỏi của tôi mà nhìn thẳng vào mẹ, ánh mắt lóe một niềm hạnh phúc:
- Con có một bí mật này muốn kể cho mẹ. Con vừa gặp chị, chị vừa mới đến tìm con đó mẹ.
Bao cảm xúc nhớ nhung con gái trào dâng trong lòng tôi nhưng cũng khiến tôi có chút khó hiểu nên hỏi lại con:
- Sao lại gặp chị, gặp chị ở đâu?
- Con vừa gặp chị trong phòng của con, mà không chỉ hôm nay đâu, nhiều lần chị đến tìm con rồi. Nhưng con rủ chị sang phòng mẹ ngủ thì chị đều không chịu đi rồi chị nhanh chóng chạy trốn mất.
Tôi chợt định hình lại một chút rằng có lẽ con trai tôi đã gặp chị gái của nó trong giấc mơ. Nhưng chẳng phải có điều gì đó không ổn hay sao, vì sao thằng bé lại hay gặp chị gái của mình đến vậy. Tôi gặng hỏi con thì đứa trẻ cho biết:
- Vì mẹ nói rằng chị chỉ đi chơi ở một nơi rất xa và chị sẽ quay trở về thăm con nên ngày nào con cũng mong chị đừng đi chơi nữa, nhanh trở về với con như ngày xưa. Có lẽ vì vậy mà chị đã về để gặp con. Nhưng con không hiểu sao chị chỉ về vào buổi tối. Mẹ gọi chị về ở nhà mình đi, đừng đi chơi nữa.
Tôi an ủi con trai và ôm bé vào lòng cho bé nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Hóa ra những lời nói dối của tôi đã khiến thằng bé luôn nghĩ rằng chị còn sống và chỉ đang đi chơi, sẽ trở về vào một ngày nào đó. Đứa bé hàng ngày mong nhớ chị nên đêm cũng mơ về chị. Bất giác lòng tôi đau đơn, nước mắt tuôn trào. Phải làm thế nào để con thoát ra được nỗi ám ảnh của tôi như trước kia về sự thiếu vắng của người chị.
Tâm sự từ độc giả quychau...
Những đứa trẻ với tâm hồn còn quá non nớt để đối diện được với sự ra đi của người thân. Thế nhưng, những người còn lại cũng nên thể hiện đúng cảm xúc của mình trước mặt con trẻ.
Nhiều bậc cha mẹ cố tình che giấu và không muốn con cái họ biết sự thật rằng người thân yêu đã qua đời. Tuy nhiên, trên thực tế, cha mẹ hãy nói với con và giải thích cho các con hiểu về "cái chết, sự qua đời" của người thân (không nói chi tiết, chết ra sao, như thế nào mà nói là chết là trạng thái không sống cùng những người trong gia đình, đi đến nơi xa khác...). Cha mẹ nên dạy con cách chấp nhận nỗi đau và thể hiện cảm xúc bình thường nếu mong muốn.
Các bậc cha mẹ có thể khóc trước mặt con, không nên nén khóc trong đêm, chui vào chỗ vắng để khóc bới đó vô tình khiến trẻ hiểu sai về cái chết là điều gì đó xấu hổ cần phải giấu diếm. Hãy cứ để trẻ sống đúng cảm xúc của mình, không nên cấm đoán việc trẻ khóc khi nghĩ về ai đó.
Cái chết là một điều không dễ chấp nhận, với một đứa trẻ càng khó khăn. Những người còn lại ở bên cạnh trẻ hãy kiên nhẫn từ từ giúp trẻ dần chấp nhận điều đó.
Cuối cùng, quan trọng nhất là bố mẹ hãy mạnh mẽ cùng con vượt qua nỗi đau này. Họ là người duy nhất hỗ trợ con cái thoát khỏi nỗi đau, nỗi ám ảnh sớm nhất có thể. Sau tất cả, nụ cười chính là thứ quan trọng trong cuộc sống, hãy dùng nụ cười nói về cái chết và những gì đã qua, hãy nói về những kỷ niệm đẹp của người quá cố và nở nụ cười, cha mẹ sẽ giúp con cái vượt qua được nỗi đau mất mát nhẹ nhàng hơn.
Theo Phan Nguyễn (Phụ nữ & Pháp luật)