Con khóc lóc ăn vạ, cha mẹ hạng ba mắng mỏ, cha mẹ hạng hai chiều chuộng, cha mẹ hạng nhất làm điều này

09/03/2024 13:43:42

Khi thấy con khóc, làm thế nào cha mẹ có thể hướng dẫn con một cách tử tế nhưng kiên quyết?

Cha mẹ nên xử lý thế nào khi con khóc? Có cha mẹ chọn cách la mắng con, có người chọn cách làm con vui lòng, không ít phụ huynh lại chọn cách hướng dẫn con một cách tử tế.

Một cư dân mạng ở Trung Quốc kể, trong một buổi họp, bạn của anh đã chia sẻ về việc dạy dỗ con gái khiến ai nấy rất khâm phục:

"Con gái của bạn tôi tên là Tiểu Thiên Thiên, mỗi lần chơi là để đồ chơi khắp nhà, khi không tìm được sẽ ngồi đó và khóc. Ngày xưa, bạn tôi thường giúp đỡ con để cho yên nhà yên cửa. Lần này, khi con gái đang khóc vì không tìm được đồ chơi, nhìn thấy con gấu bị ném xuống đất, bạn tôi liền nảy ra 1 ý tưởng, nói với con gái: "Gấu chơi chán quá rồi, con đem bạn lên ngủ được không?"

Con gái hợp tác bế gấu lên giường. Người bạn mỉm cười nói: "Gấu nhỏ không phải ngày nào cũng ngủ ở tư thế này, sẽ không quen đâu. Hãy nghĩ xem giường của nó ở đâu con nhé". Tiểu Thiên Thiên sau đó nhớ tới ngày nào bé cũng đem gấu ra khỏi giỏ nên lại bỏ gấu vào chỗ cũ. Từ từ, đứa trẻ rèn được tính gọn gàng lúc nào chẳng hay. Bạn tôi chẳng la mắng hay đánh đón con chút nào cả".

Khi thấy trẻ khóc, cha mẹ luôn có thói quen khiển trách để trấn áp, mong con mình trở thành những chú cừu con ngoan ngoãn. Nhưng họ không biết việc khiển trách về cơ bản không thể giải quyết được vấn đề mà ngược lại, nó truyền năng lượng tiêu cực sang trẻ. Càng bị cha mẹ khiển trách, trẻ càng cảm thấy bất an và càng dễ khóc khi có chuyện gì xảy ra.

Sự khiển trách, đàn áp của cha mẹ sẽ chỉ làm con cái nổi loạn. Nhất là ở nơi công cộng, nó sẽ khiến trẻ bị tổn thương lòng tự trọng, hận thù cha mẹ. Bên cạnh đó, chiều chuộng con sẽ khiến con ích kỉ, muốn gì được nấy, sau này khó dạy dỗ.

Bậc cha mẹ hạng nhất hướng dẫn con cái một cách ân cần nhưng cương quyết

Nhà tâm lý học Winnicott cho rằng: "Trước những thay đổi về mặt cảm xúc của trẻ, bạn phải bắt đầu từ trái tim trẻ và tìm ra giá trị của chúng". Thay vì cố gắng ép trẻ nín khóc hoặc đáp ứng nhu cầu của chúng, tốt hơn hết cha mẹ nên đồng cảm với con, cho phép trẻ trút bỏ cảm xúc, khiến trẻ cảm thấy mình không đơn độc, cảm xúc của trẻ sẽ tự nhiên được cải thiện.

Khi thấy con khóc, làm thế nào cha mẹ có thể hướng dẫn con một cách tử tế nhưng kiên quyết? Hãy thử những phương pháp này.

Con khóc lóc ăn vạ, cha mẹ hạng ba mắng mỏ, cha mẹ hạng hai chiều chuộng, cha mẹ hạng nhất làm điều này
Ảnh minh họa

1. Hãy lắng nghe con

Là cha mẹ, khi con khóc, cách tốt nhất để an ủi con là lắng nghe. Bạn có thể đến gần trẻ, ôm trẻ nhẹ nhàng, để trẻ khóc thoải mái. Sau đó, hãy nhẹ nhàng yêu cầu trẻ kể lý do khóc và thể hiện sự đồng cảm với cảm xúc của con.

2. Hướng dẫn trẻ tử tế và kiên quyết

Có một câu chuyện trong cuốn sách "Kỷ luật tích cực": Một người mẹ, trước những rắc rối vô lý của con mình, đã chọn cách tạm thời bỏ đi, để con một mình, rồi quay lại khi con đã nín khóc. Bà đến gặp con và nói: Con yêu, mẹ xin lỗi vì con đã quá tức giận. Mẹ tôn trọng cảm xúc của con, nhưng không thể chấp nhận hành động đó. Từ giờ trở đi, bất cứ khi nào con không tôn trọng mẹ, mẹ sẽ tránh xa một thời gian. Đây là những quy tắc của chúng ta dành cho nhau. Mẹ yêu con rất nhiều, và nếu con cần sự giúp đỡ và cảm thấy có thể tôn trọng mẹ thì mẹ luôn sẵn lòng.

Hầu hết các bậc cha mẹ khi thấy con khóc, đều không thể kiềm chế được cảm xúc và giải quyết vấn đề một cách quá cứng rắn hoặc quá ngạo mạn. Và việc đặt ra những quy tắc tử tế và kiên quyết cho trẻ có thể giúp trẻ đứng vững trước những thất bại và nuôi dưỡng sự tự tin.

3. Cùng con tìm giải pháp

Đôi khi nguyên nhân khiến trẻ khóc là vì muốn làm tốt việc gì đó nhưng lại thất bại vì khả năng có hạn, điều này khó tránh khỏi tạo ra cảm giác thất vọng. Lúc này, cha mẹ có thể dẫn trẻ từng bước khám phá vấn đề, để trẻ từng bước vượt qua khó khăn, giúp trẻ xây dựng sự tự tin, nâng cao khả năng giải quyết vấn đề.

Dần dần, trẻ sẽ thay đổi từ một đứa trẻ khóc to khi có chuyện gì đó trở thành một đứa trẻ dũng cảm có thể tự mình đối mặt và giải quyết vấn đề.

Thay vì đối đầu với con, tốt hơn hết bạn nên đối mặt với chúng một cách nhẹ nhàng và kiên quyết; bởi thái độ nhẹ nhàng là tôn trọng trẻ, còn lập trường kiên quyết là tôn trọng vấn đề.

Theo Hiểu Đan (Phụ Nữ Mới)