Chúng ta cứ thường cho rằng, lộn trái quần áo khi phơi để quần áo không bị phai màu và bền hơn. Nhưng thực ra lại không phải như vậy, mặt trái của quần áo chính là mặt trực tiếp tiếp xúc với cơ thể của người mặc, nếu phơi mặt trái, quần áo sẽ bắt bụi và nhiều thứ vi khuẩn khác sẽ bám riết ở đó.
Thậm chí, côn trùng, sâu bọ có thể đẻ trứng hay "đi tiểu" lên quần áo mà chúng ta không hề biết. Chẳng hạn như loài bọ xít sống trên cây vải hay nhãn gần nhà, chúng thường đậu vào quần áo phơi ngoài sân và đẻ nhiều trứng dính chặt lên đó.
Chỉ một vài ngày sau đó, nếu không kịp thời phát hiện và gỡ bỏ những đám trứng đi, bọ xít con sẽ nở ra rất nhiều. Chỉ cần vô tình chạm vào những con côn trùng non này, chất dịch màu vàng nhạt chứa axit của chúng tiết ra sẽ khiến bạn bị rát, rộp da, nguy hiểm hơn khi để dính vào mắt có thể gây mù mắt nếu không kịp thời rửa sạch.
Đặc biệt với trẻ em, quần áo dính bụi bẩn, vi khuẩn và côn trùng càng dễ làm tổn thương làn da non nớt, khiến các bé bị ngứa, rôm sảy. Những thứ bám vào quần áo cũng có thể khiến các bé mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, hoặc khiến bệnh sẵn có trở nên nặng hơn.
Do vậy, quần áo sau khi giặt không nên lộn trái khi phơi. Để tránh vải bị phai màu nhanh, bạn đừng phơi nắng quá lâu. Trước khi rút quần áo vào nhà, nên giũ qua 1 - 2 lần để bay bớt bụi bám rồi mới cất.
Không chỉ có lộn trái quần áo, rất nhiều người còn mắc những lỗi sai cơ bản khác khi phơi quần áo khiến chúng vừa nhanh hỏng, cũ lại rước thêm bệnh vào người.
Không vắt quần áo trước khi phơi
Không ít người nghĩ rằng vắt quần áo cho khô kiệt nước sẽ khiến quần áo bị nhăn. Thế nên họ chọn cách sau khi xả với nước xả vải, hoặc giặt đến nước cuối cùng sẽ phơi đồ nguyên nước khiến vi khuẩn hoạt động mạnh khiến quần áo bị mùi hôi khó chịu, có thể gây bệnh ngoài da.
Thế nên tốt nhất khi bạn phơi đồ thì nên vắt kĩ nước, rồi giũ thật mạnh là được. Nếu quần áo nhăn thì dùng là ủi là được rồi.
Phơi quần áo ở nơi nhiều khói bụi
Quần áo ẩm ướt rất dễ bám bụi bẩn. Nếu bạn phơi quần áo ngay nơi có xe độ đi lại đông người hay gần công trường thi công... thì khói bụi rất nhanh bám đầy trên quần áo.
Quần áo sau khi khô vừa bám đầy bụi bẩn lại có mùi khó chịu, gây ra bệnh ngoài da, đặc biệt là với những gia đình có trẻ nhỏ. Bởi da của trẻ cực kỳ nhạy cảm, dễ bị kích ứng nếu mặc phải đồ nhiều bụi bẩn.
Không phơi ngay sau khi giặt
Nhiều người sau khi giặt thường ngâm quần áo với nước xả vải rất lâu hoặc giặt xong có việc bận nên không phơi ngay được. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, chúng sẽ bám vào quần áo, gây hại cho da.
Do đó, khi giặt đồ xong bạn nên phơi đồ ngay và nếu có ngâm quần áo với nước xả vải thì bạn chỉ nên ngâm khoảng 15-20 phút.
Phơi nơi thiếu nắng
Ánh nắng mặt trời có tác dụng rất tốt trong việc diệt vi khuẩn. Nếu bạn không thể tận dụng ánh nắng tự nhiên này mà chỉ phơi quần áo trong nhà hoặc nơi thiếu nắng thì vi khuẩn sẽ sinh sôi nhiều hơn. Do đó, bạn nên phơi quần áo nơi có nắng hoặc nếu điều kiện nhà ở không cho phép thì nên phơi nơi thông thoáng, có gió để quần áo nhanh khô, không bị ẩm.
Ngoài ra, phơi quần áo quá sát nhau cũng sẽ khiến quần áo lâu khô hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi và phát triển.
Phơi quần áo vào ban đêm
Nhiều người cho rằng, phơi quần áo qua đêm có thêm thời gian để quần áo nhanh khô hơn. Song đây thực sự là suy nghĩ sai lầm. Bởi ban đêm sương xuống, nhiệt độ giảm dần có thể làm quần áo ẩm ướt và vi khuẩn hoạt động mạnh hơn.
Vì vậy, tốt nhất chúng ta chỉ nên phơi quần áo vào ban ngày. Chọn thời điểm nắng to để phơi cho quần áo nhanh khô hơn.
PN (SHTT)