Mới đây, thông tin một cô gái 19 tuổi đeo tai nghe khi ngủ khiến tai chảy máu và mủ đã thu hút sự chú ý của dân cư mạng Trung Quốc. Theo đó, Tiểu Vương, cô gái 19 tuổi đến từ Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), đến bệnh viện vì đau tai phải kèm theo chảy máu và mủ, được chẩn đoán mắc bệnh viêm tai ngoài.
Theo báo cáo, Tiểu Vương cho biết cô đeo tai nghe không dây gần 10 tiếng mỗi ngày, tuần trước cô đeo tai nghe không dây bên tai phải khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy có chút đau. Hai ngày sau, cô thấy hàm và tai phải đau không chịu nổi, sau đó tai phải của cô bắt đầu chảy máu và mủ rỉ ra, thậm chí cô không còn nghe được âm thanh nữa.
"Theo mô tả của bệnh nhân, mủ chảy ra trong tai sau khi đeo tai nghe có thể là viêm do tai nghe chèn ép ống thính giác bên ngoài", Li Qiongying, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Y tế của Viện Phòng chống bệnh nghề nghiệp tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) cho biết. Sử dụng tai nghe trong thời gian dài và âm lượng lớn có hại cho tai, có thể tạm chia thành hai loại sau:
- Thứ nhất, dễ gây viêm nhiễm bên ngoài kênh thính giác, giống như Tiểu Giang. Tai nghe ma sát và nén lên da ống tai ngoài gây nên tình trạng tắc nghẽn cục bộ, sưng tấy da và mô dưới da, cộng với tư thế nằm nghiêng bên phải khi ngủ khiến tình trạng nén cục bộ càng trầm trọng hơn. Điều này khiến tình trạng tổn thương da trở nên trầm trọng hơn, gây đau tai, ù tai, thậm chí chảy mủ.
- Ngoài ra, do có nước khi tắm, chất nhờn tiết ra… nên ống tai khó có thể luôn khô ráo, khi đeo tai nghe sẽ hình thành một môi trường tương đối kín trong ống tai, dễ dẫn đến viêm tai. Sự phát triển của vi khuẩn, do đó làm trầm trọng thêm tình trạng viêm và nhiễm trùng.
Những tổn thương ở tai do hiện tượng trên gây ra vẫn có thể khắc phục được, hãy ngừng sử dụng tai nghe không đúng cách và phục hồi sức khỏe bằng cách điều trị tích cực. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc với tiếng ồn mạnh (nhạc lớn cũng là tiếng ồn) trong thời gian dài, cơ quan thính giác của tai trong sẽ bị tổn thương không thể phục hồi, gây suy giảm thính lực vĩnh viễn.
Tai nghe dù là loại nào cũng cần được sử dụng hợp lý
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại tai nghe, "bất kể loại tai nghe nào, chỉ cần sử dụng ở mức âm lượng lớn trong thời gian dài sẽ gây tổn thương thính giác, không có ngoại lệ", bác sĩ Li Qiongying chỉ ra rằng thủ phạm chính gây tổn thương thính giác là thói quen đeo tai nghe không đúng cách.
Nhiều người cho rằng tai nghe dẫn truyền qua xương không gây hại cho thính giác nhưng thực tế điều này là sai. Tổn thương thính giác do tai nghe gây ra là một loại tổn thương do tiếng ồn, gây tổn thương đến các tế bào lông ốc tai. Vì vậy, một khi sử dụng tai nghe trong thời gian dài và ở mức âm lượng lớn thì dù sử dụng loại tai nghe hay phương thức dẫn truyền nào thì việc hệ thống thính giác bị tổn thương là điều không thể tránh khỏi.
Đeo tai nghe thế nào cho hợp lý? Bác sĩ Li Qiongying cho biết, "nguyên tắc 60-60" được quốc tế công nhận có nghĩa là âm lượng không được vượt quá 60% âm lượng tối đa và thời gian liên tục không quá 60 phút.
Theo Mỹ Diệu (Phụ Nữ Mới)