Một lần đi xa, cách nhau vạn dặm
Ông Nguyễn Văn Tuấn (65 tuổi, huyện Hóc Môn, TP.HCM) là chú rể U70 từ Mỹ về Việt Nam hỏi cưới mối tình đầu 62 tuổi, gây xôn xao dư luận những ngày qua. Đám cưới diễn ra ngày 14/1 như một giấc mơ mà hơn 40 năm ông đau đáu mỗi lần nhớ về quê hương.
Trong căn nhà nhỏ của mẹ ruột ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, chú rể U70 ứa nước mắt kể lại câu chuyện tình dang dở vừa chắp nối của mình.
Ông sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hóc Môn. Thời đó, đời sống của người dân ở vùng ven TP.HCM rất khó khăn.
Năm 17 tuổi, ông đi làm thuê thì quen biết mẹ của bà Kim Nhàn (vợ ông Tuấn, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Mẹ bà Nhàn thấy ông Tuấn hiền lành, chăm chỉ nên mai mối cho con gái của mình.
Bà Nhàn mắc bệnh tim từ nhỏ. Dù gương mặt xinh đẹp nhưng dáng người gầy ốm xanh xao. Vậy mà, ông Tuấn vừa gặp đã thương.
Tuy nhiên, bà Nhàn còn nhỏ tuổi, ông Tuấn lại có hoàn cảnh khó khăn nên đôi bên chỉ hứa hẹn, chứ chưa thể tiến tới cưới xin.
Ông Tuấn tâm sự: “Hồi đó, tôi nói với mẹ của Nhàn là tôi khổ quá, chắc không nuôi nổi vợ con. Tôi sợ làm khổ Nhàn. Cho nên, tôi quyết định bôn ba xứ người, lập nghiệp.
Tôi cứ nghĩ mình đi vài năm thì quay về cưới Nhàn nhưng không ngờ một lần đi xa là cách biệt vạn dặm. Vì thời đó việc đi lại giữa Mỹ và Việt Nam chưa thuận lợi như bây giờ”.
Lời tâm sự của ông lúc trầm lúc bổng, đôi lúc đứt quãng, nhường chỗ cho nước mắt rơi. Chẳng mấy ai ngờ, một người đàn ông bị dòng đời xoay vần lại khóc khi kể về tình đầu.
Sang Mỹ, không tiền, không có người thân bên cạnh, ông Tuấn làm thuê, sống lay lắt qua ngày. Mấy năm xa quê, không có cách liên lạc, ông đinh ninh bà Nhàn đã lấy chồng.
Dù lòng chưa bao giờ nguôi nhớ nhung mối tình đầu nhưng thời cuộc đưa ông đến bến mới. Vợ ông là một phụ nữ Việt, chịu thương chịu khó. Hai người có với nhau 3 người con.
“Trong hơn 40 năm, tôi vẫn luôn thương nhớ Nhàn. Dù biết mình đã có vợ nhưng tôi không có cách nào quên được Nhàn.
Mỗi khi có dịp về Việt Nam, tôi cố tìm Nhàn nhưng không có tin tức. Lúc đó, tôi tìm không phải để nối lại tình xưa mà chỉ muốn biết cô ấy sống thế nào”, ông Tuấn nghẹn lời, nước mắt lại tuôn.
Giọt nước mắt ấy là sự giằng xé giữa sự thủy chung với người vợ tào khang và tình đầu chôn giấu mấy mươi năm.
Các con về dự đám cưới của cha
6 năm trước, ông Tuấn về Việt Nam và quyết tâm tìm ra tung tích của bà Nhàn. Ông nhờ một người bạn hỏi dò khắp nơi.
Bao năm tìm không thấy, vậy mà lần này chỉ mất 2 ngày, ông Tuấn có tin của người cũ. Biết bà Nhàn chưa lấy chồng, ông càng thêm quý trọng.
Tháng 3/2021, vợ của ông Tuấn qua đời trong mùa dịch Covid-19 ở Mỹ. Ông lo hậu sự cho vợ thật chu đáo, chờ mãn tang mới về lại Việt Nam.
Các con của ông Tuấn trưởng thành và hiểu chuyện. Họ ủng hộ và mong muốn cha của mình nối lại tình xưa, có người bầu bạn lúc tuổi già.
Được con cái và người thân động viên, ông Tuấn mạnh dạn hỏi cưới mối tình đầu. Ông cầu hôn bằng một câu hỏi: “Lòng anh vẫn thương em. Vậy em có còn thương anh hay không? Mình nối lại chuyện tình ngày xưa được không?”.
Ban đầu, bà Nhàn rào đón: “Em bị bệnh, không ai thương em. Em định sống vậy cho đến chết. Anh còn nhớ đến em, em cảm ơn anh. Nhưng, anh có sợ em mang bệnh tật hiểm nghèo không?”.
Ông Tuấn không chờ bà Nhàn nói thêm mà khẳng định: “Không sao, lòng anh vẫn thương em như ngày xưa”.
Bà Nhàn hạnh phúc, đồng ý tái hợp cùng ông Tuấn. Thế nhưng, bà ngại lớn tuổi, da nhăn nheo, mặc áo cưới vào con cháu lại cười. Ông Tuấn động viên, tin chắc bà khoác lên áo cưới sẽ rất đẹp.
Ngày 14/1, ông Tuấn cùng họ hàng mang sính lễ sang rước dâu. Bà Nhàn e ấp với tà áo dài cưới đỏ thắm, sau đó nền nã khoác lên chiếc váy cưới trắng tinh khôi về nhà chồng.
Đám cưới được hai bên gia đình tham dự đông đủ. Các con của ông Tuấn cũng từ Mỹ về Việt Nam chúc phúc cho cha.
Sau lễ cưới, khoảng 10 ngày tới, ông Tuấn sẽ tạm biệt bà Nhàn về Mỹ làm việc. Ông dự định thường xuyên qua lại giữa Mỹ và Việt Nam.
Bà Nhàn lớn tuổi, lại bệnh tim, ông Tuấn lo lắng vợ không hợp khí hậu xứ lạnh. Vì vậy, bà ở lại, chỉ một mình ông về Mỹ. Hai người sẽ liên lạc qua mạng xã hội. Ông Tuấn hễ nhớ vợ thì lại về thăm.
Theo Ngọc Lài (VietNamNet)