Chú rể mượn cớ uống say đập phá trong đám cưới, nhà gái ngỡ ngàng khi biết nguyên nhân đằng sau

26/07/2023 08:15:54

Hậm hực trong lòng từ lâu, anh đã mượn rượu để trút giận và hủy hoại đám cưới, khiến cô dâu chỉ biết trốn trong phòng đau đớn khóc.

Câu chuyện hi hữu đã được một MC đám cưới ở thành phố Kiềm Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) từng chứng kiến và kể lại. Theo lời kể, gia đình cô dâu và chú rể đều coi trọng tập tục cưới hỏi truyền thống nên quyết định tổ chức hôn lễ đậm chất văn hóa Trung Hoa.

Tuy kinh tế không quá khá giả, hai bên gia đình vẫn cố gắng làm tiệc cưới long trọng theo đúng lễ nghi truyền thống. Các câu đối chữ hỷ "Bách Niên Hảo Hợp", "Song Hỷ Lâm Môn"... được dán đầy cửa và tường nhà.

Chú rể mượn cớ uống say đập phá trong đám cưới, nhà gái ngỡ ngàng khi biết nguyên nhân đằng sau - Ảnh 1.
Cô dâu hồi hộp chờ chú rể đến đón

Mặc dù có chút chạnh lòng khi con gái lấy chồng xa nhưng gia đình cô dâu vẫn vô cùng vui vẻ. Cô dâu mặc lễ phục cưới, đầu đội khăn voan đỏ và thắt nơ bướm, từ đầu đến chân lấy màu đỏ may mắn làm chủ đạo, hồi hộp đợi chú rể đến đón.

Những tưởng đám cưới diễn ra êm đẹp nhưng không, chú rể uống quá chén đã đập phá tất cả đồ đạc trang trí, thậm chí còn đẩy đổ những thứ mà anh không thể đập nát được. Không chỉ vậy, chú rể còn bắt đầu mắng chửi trước mặt gia đình cô dâu, cuối cùng tuyên bố không cưới nữa.

Hành động trong cơn say của chú rể khiến họ hàng hai bên sững sờ tột độ. Sau đó, nhà gái mới biết chú rể bất mãn với yêu cầu sính lễ 30.000 NDT (hơn 106 triệu đồng). Hậm hực trong lòng từ lâu, anh đã mượn rượu để trút giận và hủy hoại đám cưới, khiến cô dâu chỉ biết trốn trong phòng đau đớn khóc.

Chú rể mượn cớ uống say đập phá trong đám cưới, nhà gái ngỡ ngàng khi biết nguyên nhân đằng sau - Ảnh 2.
Hiện trường đập phá của chú rể trong cơn say

Hành động của chú rể đã vấp phải sự lên án của cư dân mạng:

- "Sính lễ là thứ bắt buộc trong tục cưới hỏi. Đôi khi, nó lại trở thành một thử thách cho người đàn ông muốn cưới người mình thương làm vợ. Thế nhưng 30.000 tệ không phải là số tiền quá lớn. Anh trai hành động như vậy thật sự quá đáng".

- "Đã không muốn cưới thì cứ nói thẳng ngay từ đầu. Ngày chung thân đại sự không thành sẽ để lại vết thương lòng rất lớn cho con gái người ta...".

Đàn ông Trung Quốc ngại lấy vợ vì sợ bị 'hét giá' sính lễ

Ít chủ đề nào gây tranh cãi trong dư luận Trung Quốc nhiều như vấn nạn sính lễ.

Theo truyền thống Trung Quốc, sính lễ là một phần quan trọng của hôn lễ, gồm tiền mặt và nhiều món đồ khác như vàng, trang sức, thậm chí là tài sản như nhà, xe, để trao cho nhà gái.

Tại nhiều vùng nông thôn Trung Quốc, sính lễ là điều bắt buộc, là tập tục được lưu truyền từ nhiều đời, còn gọi là của hồi môn. Đó có thể là tiền, tài sản hoặc hình thức của cải nào đó mà nhà trai phải tặng nhà gái trước khi lễ cưới diễn ra.

Chính quyền nhiều địa phương đặc biệt là khu vực phía Bắc Trung Quốc đã nhiều lần tìm cách ngăn chặn tập tục này. Dù vậy, yếu tố bị coi là trở ngại để ổn định "thị trường hôn nhân" vùng nông thôn này, vấn nạn sính lễ vẫn tồn tại.

Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, sính lễ này vốn mang ý nghĩa "là phương tiện điều chỉnh các mối quan hệ hôn nhân bằng cách buộc họ tuân theo nghi lễ". Tuy nhiên ngày nay, nghi lễ xưa đã nhường chỗ cho "mức giá của cô dâu". Sinh lễ được hiểu cụ thể là "tiền bồi thường" mà nhà trai phải gửi nhà gái và hỗ trợ tài chính với cặp đôi mới cưới.

Chú rể mượn cớ uống say đập phá trong đám cưới, nhà gái ngỡ ngàng khi biết nguyên nhân đằng sau - Ảnh 3.
Theo cuộc khảo sát trực tuyến của một trang web mai mối Trung Quốc, gần 80% đàn ông độc thân coi tiền thách cưới cao là không thể chấp nhận được. Ảnh minh hoạ

Trong những năm qua, giá sính lễ tăng mạnh nhất tập trung ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và tỉnh thành phía nam như Phúc Kiến. Tại thành phố Phủ Điền, chính quyền địa phương từng kêu gọi người dân thay đổi tập tục, giới hạn sính lễ không quá 180.000 tệ (hơn 600 triệu đồng) nhưng chưa có tác dụng.

Tình trạng sính lễ "tăng không có điểm dừng" khiến cơ hội lấy vợ của nam giới Trung Quốc bị thu hẹp là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm.

Các chuyên gia đã từng phân tích, cảnh báo nhiều, diễn biến trên "thị trường hôn nhân" như vậy không có nghĩa là giá trị của người phụ nữ trong xã hội tăng lên mà họ càng giống "một món hàng" được mua bán.

Thực tế, nhiều cô gái sau khi kết hôn cũng phải còng lưng trả nợ cho đám cưới của chính mình, bị nhà chồng "khai thác" tối đa để... trừ nợ.

Chênh lệch giới tính cũng gây hệ quả lớn, khiến tình trạng phụ nữ bị cướp đoạt, bị xâm hại diễn ra phổ biến hơn.

Theo Tường Vy (Giadinh.suckhoedoisong.vn)

 

Nổi bật