Bị bỏ rơi trước ngày cưới
Sáng sớm, sau khi gửi con vào trường, Bùi Diệu Linh (29 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) vội vã đến tập trung cùng ê-kíp chụp ảnh ở công ty chuyên tổ chức tiệc cưới. Tại công ty, Linh đảm nhiệm khâu trang điểm cô dâu.
Mẹ đơn thân 29 tuổi đến với công việc này theo cách không hề mong muốn. Trước đó, Linh là khách hàng của công ty và từng sử dụng một trong những dịch vụ đặc biệt nhất là thuê chú rể.
Cách đây 5 năm, Linh rời Hậu Giang lên TP.HCM làm công nhân tại khu công nghiệp Tân Bình. Tại đây, Linh có quan hệ tình cảm với bạn trai quê Bình Thuận.
Dù không được hứa hẹn sẽ cùng xây đắp gia đình, Linh vẫn cùng bạn trai thuê trọ, sống thử. Kết quả, cô gái trẻ mang thai ngoài ý muốn.
Linh kể: “Biết tôi có thai, anh ấy cũng lúng túng, lo sợ. Cả hai còn quá trẻ, chưa có gì trong tay và chưa sẵn sàng trở thành cha mẹ. Đặc biệt, bố mẹ 2 bên còn chưa biết mối quan hệ của chúng tôi.
Do đó, anh ấy không muốn giữ cái thai, nhiều lần đòi tôi phải xử lý trước khi quá trễ. Tôi cũng đồng ý. Nhưng mỗi lần đến phòng khám, tôi lại không dám thực hiện ý định. Cuối cùng, tôi quyết định sẽ sinh con và yêu cầu anh ấy phải tổ chức đám cưới”.
Tuy nhiên, quyết định của Linh không được bạn trai đồng tình. Nam thanh niên kiên quyết bắt người yêu từ bỏ đứa con đang hình hài trong bụng. Để thuyết phục bạn trai, tạo áp lực khiến người này phải cưới mình, Linh nhiều lần dọa sẽ tự tử.
Cô gái trẻ cũng tìm cách công khai mối quan hệ với nam thanh niên trên mạng xã hội. Linh hy vọng sẽ được nhiều người đồng cảm.
Sau cùng, Linh cũng đạt được mục đích. Nam thanh niên đồng ý cùng Linh về Hậu Giang ra mắt gia đình, công khai chuyện đã trót mang thai ngoài ý muốn.
Dù rất buồn nhưng khi thấy chàng trai chịu trách nhiệm, hỏi cưới con gái mình, bố mẹ của Linh cũng không trách phạt. Ông bà đồng ý cho các con kết hôn.
Bố mẹ Diệu Linh cũng miễn cưỡng chấp nhận đề nghị bỏ qua lễ ăn hỏi, chỉ tiến hành lễ vu quy với lý do nhà trai ở xa.
“Cưới chạy bầu nên bố mẹ tôi chấp nhận hết. Ông bà đồng ý gả tôi dù chưa một lần gặp cha mẹ con rể tương lai”, Linh nói.
Sau khi thống nhất chuyện cưới xin, Linh cùng cha mẹ lên kế hoạch tổ chức đám cưới. Bố mẹ Linh hân hoan báo tin vui, gửi thiệp mời cưới đến thân tộc, bạn bè.
Thế nhưng khi chỉ còn cách lễ vu quy ít ngày, Linh không sao liên lạc được với chồng tương lai. Cô gái trẻ tức tốc bắt xe lên TP.HCM, tìm đến phòng trọ và được biết nam thanh niên đã trả phòng, đi đâu không rõ.
Sau những nỗ lực liên lạc bất thành, Linh đau đớn phát hiện mình bị bỏ rơi. Cô gái đau khổ, bẽ bàng tột cùng, tâm trí xuất hiện vô số ý nghĩ tiêu cực.
Sống trong sợ hãi
Diệu Linh tâm sự: “Lúc phát hiện mình bị phản bội, bỏ rơi, tôi bẽ bàng, nhục nhã vô cùng. Tôi chỉ muốn chết và đã chuẩn bị cho kết cục ấy. Nhưng rồi tôi không thể vì không nhẫn tâm làm hại đứa con trong bụng. Tôi nghĩ đến cha mẹ ở quê, nghĩ đến việc gia đình đã chuẩn bị chu tất lễ vu quy. Không thể để bố mẹ vì lỗi lầm của mình mà chịu thêm tủi nhục, tôi tìm đến dịch vụ thuê chú rể theo gợi ý của bạn thân”.
Sau khi tham khảo trang web của đơn vị chuyên tổ chức tiệc cưới, Linh liên hệ anh N., người có kinh nghiệm 10 năm trong dịch vụ cho thuê cô dâu, chú rể tại TP.HCM. Linh trình bày hoàn cảnh, cung cấp giấy tờ theo yêu cầu và được N. làm hợp đồng thuê chú rể.
Theo hợp đồng, Linh thuê nam thanh niên hơn mình 2 tuổi làm chú rể cùng 2 người lớn đóng vai bố mẹ chồng với mức phí 50 triệu đồng. Kịch bản của màn kết hôn giả này được mặc định là chú rể sẽ ở lại nhà cô dâu một ngày. Sau đó, cả hai sẽ trở lại TP.HCM.
Linh mang theo hợp đồng cùng nỗi đau bị bỏ rơi về quê với hy vọng bố mẹ sẽ chấp nhận giải pháp bất đắc dĩ này. Ở quê, bố mẹ cô gái cũng nhận ra những điểm bất thường. Thế nên ông bà không mấy ngạc nhiên khi nghe con gái kể việc bị người yêu phụ bạc trong nước mắt.
Linh nhớ lại: “Cha là người thương tôi nhất nhưng khi nghe chuyện, ông cũng tức giận, mắng chửi không thôi. Còn mẹ tôi chỉ biết đấm ngực khóc, trách tôi sao quá ngu dại. Tôi đợi đến khi ông bà nhắc đến chuyện đã trót mời cưới, không biết làm sao để trì hoãn mới đề cập đến việc thuê chú rể.
Nghe chuyện, cha tôi càng giận. Ông cho rằng đó là việc làm gian trá, lừa dối cả dòng tộc, nếu vỡ lở sẽ mang tội suốt đời. Nhưng rồi ông thương tôi. Ông sợ tôi bị người đời cười chê không chồng mà chửa, thương cháu ngoại không có cha nên cắn răng đồng ý”.
Thuê được chú rể, ngày vu quy, Linh vẫn sánh bước bên chồng bước lên sân khấu trong tiếng vỗ tay chúc tụng của người thân, bạn bè. Bố mẹ Linh dù lòng đau như cắt cũng cố gượng cười, bắt tay chào quan khách.
Trong tiệc cưới, chú rể và bố mẹ chồng giả của Linh diễn đạt đến nỗi ai cũng quý mến, chúc mừng cô được làm dâu trong gia đình văn minh, nhân hậu. Không ai biết rằng, những lời chúc ấy lại như những mũi kim đâm vào trái tim cô và cha mẹ của mình.
Để màn kịch thêm trọn vẹn, sau lễ vu quy 2 tuần, Linh thuê chú rể lần trước về quê đón bố mẹ mình lên TP.HCM giả vờ tổ chức lễ thành hôn. Bố mẹ Linh lưu lại thành phố 2 ngày dù không hề có bất cứ lễ cưới nào.
Sau đó, ông bà trở về quê, mang theo câu chuyện con gái đã yên bề gia thất tại thành phố. Dù sự việc không vỡ lở nhưng bố mẹ Linh luôn cắn rứt về chuyện con gái làm đám cưới giả. Từ lúc về quê, ông bà mất hẳn sự tự tin, vui vẻ vốn có.
Mẹ Linh bớt lui tới nhà người thân. Bố cô cũng gần như không qua lại với bạn bè trong xóm. Mỗi khi có người nhắc đến cuộc sống của con gái, ông bà lại vụng về tìm cách tránh né.
Linh tâm sự: “Tôi biết hết và rất đau lòng. Từ lúc được sinh ra đến bây giờ, tôi chưa báo hiếu được cha mẹ ngày nào mà chỉ đem đến cho ông bà đau khổ. Nghĩ vậy, không đêm nào tôi không rơi nước mắt.
Khi con lên 3 tuổi, tôi về quê để diễn vở kịch đã ly hôn. Đó là vở diễn cuối cùng của tôi trong cuộc đời này. Từ điểm kết thúc ấy, tôi và gia đình dần thoát khỏi nỗi sợ chuyện kết hôn giả vỡ lở. Bố mẹ và tôi sống nhẹ nhàng hơn”.
Tiết thu dịu mát báo hiệu mùa cưới đang rộn ràng. Đôi lứa hân hoan chụp ảnh cưới, trang trí nhà cửa, mời khách… Trong niềm vui kết đôi, mùa cưới mang đến biết bao câu chuyện cảm động nhưng cũng không ít chuyện dở khóc dở cười.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo VietNamNet