Một người đàn ông họ An (tên họ nhân vật đã thay đổi) ngoài 40 tuổi, sống tại Đài Trung, Trung Quốc cho biết anh từng khổ sở bởi chứng hôi miệng của vợ trong mấy năm liền. Lúc đầu, miệng vợ anh chỉ có mùi hôi hơi khó chịu, phải ở khoảng cách gần mới ngửi thấy. Càng về sau, mùi hôi càng trở nên nghiêm trọng. Anh từng góp ý với vợ vài lần nhưng cô phản ứng rất dữ dội, cô cũng đã cố gắng chăm chỉ vệ sinh răng miệng và kiểm soát thực phẩm nhưng không cải thiện được là bao.
Khoảng một tháng trở lại đây, mùi hôi miệng của người vợ trở nên rất nghiêm trọng tới mức khiến anh An “mất ăn, mất ngủ”. Theo mô tả của anh, miệng của vợ anh có mùi tanh như cá ươn và chua như cơm bị thiu lâu ngày. Anh phải dọa chuyển sang ngủ phòng riêng thì cô mới chịu tới bệnh Phòng khám tai mũi họng của bác sĩ Wu Zhaokuan để thăm khám.
Anh An thật thà kể lại rằng dù bác sĩ Wu đã đeo khẩu trang nhưng khi khám cho vợ mình, rất dễ để nhận thấy ông đã cố gắng gồng mình rất nhiều để chịu đựng mùi hôi miệng của cô ấy. Cô phụ tá bên cạnh cũng cố gắng để không lộ ra vẻ mặt khó chịu, dù đôi lần cô ấy giống như rất buồn nôn. Anh cảm thấy rất có lỗi và cũng biết ơn họ.
Kết quả, đúng như anh An dự đoán, mùi hôi miệng của vợ anh không đơn giản là do “cơ địa” hay bệnh răng miệng thông thường. Nhưng anh không ngờ căn bệnh ẩn đằng sau lại là ung thư thực quản giai đoạn 3.
Chia sẻ về ca bệnh này trên chương trình y tế trực tuyến “Doctor Is So Hot”, bác sĩ Wu Zhaokuan nói: “Qua lớp khẩu trang, mùi hôi miệng của nữ bệnh nhân vẫn rất rõ ràng. Nội soi cho thấy có khối u ở sau dây thanh quản và lỗ thực quản, có dấu hiệu viêm loét và chảy dịch. Sau khi sinh thiết, chúng tôi kết luận bệnh nhân bị ung thư thực quản giai đoạn 3, ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết.
Bởi vì viêm loét và bệnh gây trào ngược dạ dày thực quản nên miệng bệnh nhân có mùi hôi, chua và tanh khó chịu. Trên thực tế, cô ấy đã phải chịu đựng nhiều khó chịu khác là dấu hiệu bệnh ngoài hôi miệng như: khó nuốt, thay đổi giọng nói, hay buồn nôn, sụt cân nhanh nhưng lại không chịu đi thăm khám.
Nguyên nhân gây bệnh được tìm ra là thói quen ăn uống không lành mạnh. Cụ thể, bệnh nhân thích uống nước rất nóng, mê ăn lẩu và uống súp nóng mỗi ngày. Nhiệt độ đồ uống, thức ăn của cô phải rơi vào 60 - 65 độ C. Cô cũng đã từng có tiền sử phải dùng thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản ở tuổi 20. Trong khi thực quản của con người chỉ có thể chịu được nhiệt độ 45 - 50 độ C. Đồ ăn, uống nóng trên 60 độ C từ lâu đã được WHO xếp vào yếu tố gây ung thư loại 2A”.
Anh An cho biết thêm, vợ anh thường cho rằng ăn uống đồ nóng sẽ tốt cho sức khỏe, nhất là với phụ nữ có thể hàn. Những món đồ ăn, nước uống của cô anh dùng đều thấy nóng tới bỏng miệng nhưng cô lại thấy rất bình thường. Theo bác sĩ, đó là lý do khiến thực quản của cô bị tổn thương và hình thành khối u ác tính sau nhiều năm duy trì thói quen xấu này.
Anh cũng nói thêm rằng, vợ và mình muốn chia sẻ câu chuyện này tới nhiều người hơn nữa với mong muốn cảnh tỉnh mọi người. Nhất là với những người thích ăn uống đồ quá nóng giống như vợ anh. Ngoài ra, anh cũng mong mọi người đừng xem nhẹ mùi hôi miệng bất thường, ngay cả nếu nó chỉ là vấn đề răng miệng thì cũng nên đi thăm khám sớm. Bởi bác sĩ Wu cho họ biết rằng, ngoài ung thư thì mùi lạ ở miệng còn có thể cảnh báo nhiều bệnh tật khác như: bệnh về gan thận, dạ dày, tiểu đường…
Theo Ngọc Ái (Phụ Nữ Mới)