Vợ chồng tôi là bạn thanh mai trúc mã từ ngày còn học mẫu giáo. Lên đại học tuy đứa trong nam đứa ngoài bắc nhưng vẫn liên lạc với nhau. Tốt nghiệp ra trường chúng tôi chính thức chuyển từ bạn sang yêu. Gia đình hai bên đều tác thành chuyện tình cảm 2 đứa.
Yêu hơn năm thì chúng tôi quyết định cưới. Nhà chồng tôi có 3 anh em trai, chồng tôi là út, hiền lành chịu khó nhất nhà. Làm vợ anh, tôi được yêu thương che chở rất nhiều. Có điều các anh chồng tôi là những người rất tính toán nên vợ chồng tôi lúc nào cũng chịu thiệt.
So về kinh tế, cả anh trưởng lẫn anh thứ đều rất điều kiện. Một người làm bên khối ngân hàng. Một người buôn bán, đều nhà lầu xe hơi nhưng vẫn đố kị, hằm hè với vợ chồng tôi. Tất cả cũng chỉ bởi kinh tế chúng tôi khó khăn hơn, mẹ chồng thương chia cho mảnh đất phía sau của bà, rồi thêm tiền cùng chúng tôi xây nhà. Còn 2 anh trai chỉ cho đất, không cho tiền xây.
Cũng chỉ vì chuyện này mà mấy anh em cãi vã, mặt nặng mày nhẹ với nhau suốt. Mẹ chồng tôi giải thích thế nào họ cũng không cho vào tai. Họ trách bà sống thiên vị. Chồng tôi buồn lắm, mấy lần anh định trả lại đất nhưng bà động viên:
“Các con không phải nghĩ ngợi gì cả. Đứa nào nghèo khó hơn mẹ phải đỡ cho đứa ấy, rồi sau này ắt các anh con sẽ hiểu”.
Rồi bà dàn xếp, mọi việc cũng ổn thỏa hơn. Nhưng trớ trêu thay, xây nhà được hơn năm, trên đường đi làm về, chồng tôi bị va chạm giao thông, chấn thương nặng không qua khỏi. Tôi đau đớn tới chết đi sống lại, cố gắng lắm mới gượng dậy lo liệu hậu sự cho anh được. Khổ hơn nữa, sau cưới chúng tôi tính kế hoạch 3 năm mới sinh nên khi anh mất, cuộc sống của tôi càng thêm cô đơn hưu quạnh.
May nhờ có mẹ chồng ở bên động viên chăm sóc, tôi cũng dần lấy lại được tinh thần. 3 năm sau khi chồng mất, 1 lần quá chén với một đối tác của công ty, tôi với anh ấy đã qua đêm cùng nhau, sau đó tôi mang bầu.
Khát khao làm mẹ trong tôi lúc này cháy bỏng hơn bao giờ hết nên tôi quyết định giữ lại cái thai, tuyệt đối không cho người đàn ông kia biết để tránh làm ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình của anh ấy. Tuy nhiên, khi biết tôi mang có bầu, anh em nhà chồng tôi liền tỏ thái độ, thi nhau tới nhà mắng nhiếc nói tôi phản bội chồng, phá hoại nề nếp gia phong nhà họ, một mực đòi đuổi tôi khỏi nhà. Ngang trái hơn, trước đây do có một vài vướng mắc về thủ tục pháp lý mà mẹ chồng vẫn chưa sang tên sổ đỏ được cho chồng tôi thì anh đã mất. Từ anh ấy nằm xuống, bà đau buồn cũng không thấy nhắc tới chuyện sang tên sổ nữa.
Giờ anh em nhà chồng tôi vin vào việc cái thai tôi mang không thuộc dòng giống nhà anh, bảo tôi không có tư cách sống trên đất nhà họ nên ngày nào cũng tới sinh sự, yêu cầu tôi dọn khỏi nhà. Thực sự bản thân tôi cũng mệt mỏi, không muốn đôi co nên xác định tư tưởng sẽ rời đi tới 1 nơi nào đó không ai biết tới mình để sinh nở, làm mẹ đơn thân, rồi lập 1 bát hương thờ chồng. Nhưng đúng hôm tôi chuẩn bị hành lý thì mẹ chồng gọi 2 người con của bà tới họp gia đình, tuyên bố:
“Mẹ còn sống thì chưa đến lượt các con lên tiếng đòi đất của con dâu mẹ nhé. Đất đó mẹ cho vợ chồng chúng nó rồi, các con không có quyền hành gì mà lấy lại. Còn anh các con xấu số khuất núi sớm, em dâu các con có tìm hạnh phúc mới mẹ cũng sẽ vẫn ủng hộ chứ nói gì tới việc nó xin con. Vậy nên mẹ cấm các con nói thêm lời ra tiếng vào nào nữa. Nếu còn nói, mẹ sẽ từ mặt các con”.
Vậy là tất cả im re, mặt mũi khó chịu nhưng cũng phải im lặng ra về. Còn tôi, nghĩ tới tấm chân tình mẹ chồng dành cho mình mà nghẹn ngào xúc động. Quả thực từ khi biết tôi có bầu, bà chưa một lần oán trách, ngược lại luôn nhẹ nhàng động viên giữ gìn sức khỏe để sinh nở được mẹ tròn con vuông. Bà hứa sẽ chăm sóc cho tôi, và sau yêu thương con tôi như cháu nội. Có điều, trải qua nhiều biến cố, tinh thần căng thẳng, ăn uống kém nên thai của tôi lần nào đi khám bác sĩ cũng bảo bị nhẹ cân hơn so với tuần tuổi khiến tôi lo lắng vô cùng. Chị em ai có kinh nghiệm, xin hãy tư vấn cho tôi với.
Nguyên nhân thai nhẹ cân so với tuổi thai
Thai nhi bị nhẹ cân so với tuổi thai được hiểu là khi thai nhi có trọng lượng nhẹ hơn so với cân nặng trung bình của tuổi thai đó. Tình trạng này kéo dài có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ sau này, trẻ sẽ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, còi xương và một số bệnh lý nguy hiểm khác.
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng thai nhi nhẹ cân, bao gồm:
- Dinh dưỡng không đủ: Việc thai nhi không nhận được đủ dưỡng chất cần thiết từ mẹ thông qua việc ăn uống có thể gây ra tình trạng nhẹ cân. Mẹ cần cung cấp đủ các chất dinh dưỡng như protein, chất béo, vitamin và khoáng chất để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho thai nhi.
- Rối loạn tăng trưởng của thai nhi: Có thể do vấn đề trong quá trình tạo tế bào, tăng trưởng và phát triển của thai nhi trong tử cung. Các rối loạn này có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng hoặc quá trình tăng trưởng của thai nhi khiến thai nhi chậm phát triển. Thai nhi có dị tật bẩm sinh, nhiễm sắc thể bất thường, các vấn đề về nhau thai cũng có thể gây nên tình trạng thai nhẹ cân.
- Vấn đề sức khỏe của mẹ: Các vấn đề sức khỏe của mẹ như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh thận, bệnh tim và các vấn đề về tiêu hóa có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp dưỡng chất cho thai nhi và dẫn đến tình trạng nhẹ cân.
- Thuốc hoặc chất độc hại: Việc sử dụng thuốc, chất gây nghiện hoặc chất độc hại trong thời kỳ thai kỳ có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.
- Tuổi thai: Thai nhi bị nhẹ cân cũng có thể do tuổi thai. Thai kỳ dưới 37 tuần được coi là thai non và thai nhi trong giai đoạn này thường có cân nặng thấp hơn.
- Stress và tâm lý: Tình trạng tâm lý của mẹ, bao gồm stress, lo lắng và áp lực, cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Để ngăn ngừa thai nhi bị nhẹ cân, phụ nữ mang thai cần duy trì một lối sống lành mạnh, ăn uống cân đối và đủ dinh dưỡng, hạn chế stress và thường xuyên kiểm tra sức khỏe thai kỳ để phát hiện và giải quyết sớm các vấn đề liên quan đến sức khỏe thai nhi và mẹ.
Theo Nắng (Tri thức & Cuộc sống)